Phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc
Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; kỹ năng sử dụng tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm 2025, tối thiểu 90% cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 1, 2 của Bộ, ngành Trung ương được cung cấp tài liệu, thông tin về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc; tối thiểu 90% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 của Bộ, ngành Trung ương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, 3, 4 của địa phương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS được bồi dưỡng tiếng DTTS.
Đề án cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp như tổ chức biên soạn tài liệu, bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng DTTS; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý và có năng lực, phương pháp sư phạm, xây dựng đội ngũ giảng viên hữu cơ, giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên có kinh nghiệm, am hiểu về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và tiếng DTTS...
Trần Hoàng