Phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở TP Hồ Chí Minh (23/08/2010)

Mỗi ngày, HTX này cung cấp ra thị trường hơn một tấn rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Để ổn định đầu ra cho các hộ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với hệ thống siêu thị Co.op Mart. Sắp tới, một nhà máy sơ chế rau được xây dựng tại HTX nhằm tăng giá trị kinh tế cho nông sản.

Phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap là một trong những chương trình được TP Hồ Chí Minh chọn để phát triển nông nghiệp đô thị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết: Nông nghiệp đô thị tại TP Hồ Chí Minh được xác định là quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang hướng sản xuất có hàm lượng chất xám cao, trong đó tập trung phát triển các ngành sản xuất không cần hoặc sử dụng ít đất, đồng thời ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất cho ra những sản phẩm sạch như: trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, trồng hoa cảnh, nuôi cá cảnh, bò sữa, heo...

Những năm gần đây TP Hồ Chí Minh đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng khu sản xuất và phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao. Nằm tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP Hồ Chí Minh vừa hoàn thành giai đoạn I với diện tích hơn 88 ha. Được đầu tư 152 tỷ đồng, khu cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, xử lý nước thải, công nghệ thông tin được trang bị đồng bộ và hiện đại. Đây là khu NNCNC đầu tiên của nước ta đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Luật Công nghệ cao, trong đó có khu trình diễn các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao: trồng rau, trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới, trồng rau trên giá thể nhiều tầng, trồng rau bằng phương pháp thủy sinh, trồng dưa trong nhà lạnh,...

Trung tâm Công nghệ sinh học cũng vừa được khởi công xây dựng trên diện tích 23 nghìn ha với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD. Trung tâm là nơi tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ cho nông nghiệp cùng với y học và môi trường được ứng dụng các công nghệ gien vào sản xuất.

TP Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng thêm 30 ha cho khu NNCNC tại xã Phạm Văn Cội cùng hàng loạt khu NNCNC khác như: thủy sản Hào Võ (Cần Giờ), trại giống thủy sản Phước Hiệp và An Phú (Củ Chi), trại thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao (hợp tác với I-xra-ren), các trại heo giống Củ Chi.

Một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh là hệ thống thủy lợi, đê bao chống ngập chưa được hoàn thiện trong khi nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp có cao trình dưới 2 m, thường xuyên chịu ngập lụt nhất là khu vực quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn,... Theo thống kê của Trung tâm PCLB TP Hồ Chí Minh, năm nào diện tích đất nông nghiệp của thành phố đều bị ngập do triều cường và mưa lớn, tính riêng trong mười năm (1997-2007), có hơn 4.200 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại.

Mặc dù còn những khó khăn nhưng định hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh là một hướng đi thích hợp. Theo đề án quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, đến năm 2020, nông nghiệp chiếm khoảng 0,4-0,5% GDP của thành phố, giá trị sản xuất đạt 300 triệu đồng/ha/năm, sẽ góp phần làm bộ mặt khu vực ngoại thành thay da đổi thịt cùng với nhịp phát triển của thành phố.

Quỳnh Anh (TH)