Phát triển làng nghề đồng bằng sông Cửu Long (08/11/2012)
ĐBSCL hiện có hàng trăm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ. Chỉ nhắc đến các địa phương người ta liền liên tưởng ngay những sản phẩm đặc trưng. An Giang thì có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt; Vĩnh Long có nghề làm gốm; Sóc Trăng có bánh bía, lạp xưởng; Tiền Giang có làng tủ thờ, làng nón bàng buông, mắm tôm chà; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa... Sự phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ thời gian qua đem về lượng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và nguồn ngoại tệ hàng chục triệu USD thông qua xuất khẩu sản phẩn cho khoảng 50 nước trên thế giới. Các làng nghề đã giải quyết một lượng rất lớn lao động nông nhàn ở địa phương, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập của người lao động tham gia vào các làng nghề tăng gấp 3 - 4 lần so với khoản thu nhập chỉ duy nhất là làm nông nghiệp.
Hiện nay, du lịch ngày càng phát triển thì sản phẩm đặc thù của từng địa phương sẽ là điểm thu hút đối với du khách và ngược lại đối tượng khách du lịch cũng là lối ra, con đường tiếp thị cho các ngành nghề truyền thống của địa phương. Nhiều địa phương cũng đã tìm cách đưa sản phẩm từ làng nghề truyền thống thông qua con đường du lịch. Khi khách đến Sóc Trăng để tham quan các khu du lịch ở tỉnh khi đến cửa ngõ huyện Châu Thành người ta sẽ bắt gặp ngay hàng loạt cửa hàng bánh bía, lạp xưởng, sản phẩm nổi tiếng của tỉnh này. Hay về Bến Tre từ hướng Tiền Giang khi qua phà Rạch Miễu trên tuyến lộ chính về tỉnh là những cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa.
Tuy nhiên, các làng nghề và thủ công mỹ nghệ ở ĐBSCL hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế vì đa phần làng nghề ở các địa phương phát triển nhưng vẫn mang tính tự phát, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 80% không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất làm cho lượng sản phẩm làm ra ít, không có sản phẩm cung cấp khi đối tác cần những hợp đồng lớn. Các làng nghề sản xuất không ổn định do thiếu nguyên liệu, khoảng 35% số cơ sở làng nghề nông thôn thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ở tỉnh Bến Tre có rất nhiều làng nghề như: sản xuất kẹo, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng làm lu, sản xuất rượu Phú Lễ, sản xuất chiếu, làng kiềm kéo... với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Dù vậy, nhưng các làng nghề ở Bến Tre vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như thiếu vốn, sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất kỹ thuật thiết bị còn thô sơ, lạc hậu, tay nghề còn hạn chế, chưa nắm được thông tin thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất, chi phí sản xuất cao khó cạnh tranh…. Vĩnh Long nổi tiếng với nghề làm gốm trong 10 năm trở lại đây với trên 500 lò nung gốm (các huyện Long Hồ, Mang Thít, TP Vĩnh Long), tạo ra hàng ngàn sản phẩm gốm, mỹ nghệ xuất khẩu. Hàng năm, chỉ tính riêng nghề làm gốm ở tỉnh Vĩnh Long đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng người/tháng. Là vậy, nhưng nghề này vẫn còn những hạn chế như mẫu mã sản phẩm gốm làm ra ở đây chưa phong phú, đa dạng. Hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công theo mẫu mã do khách hàng đặt; nhiều sản phẩm cong đơn điệu, không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Nhìn chung các làng nghề ở ĐBSCL chưa có sự gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc truyền nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa rộng rãi và chặt chẽ. Kiểu dáng, chất lượng sản phẩm ở các làng nghề còn kém, không đồng đều. Công tác đăng ký thương hiệu, cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp còn rất hạn chế. Chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Bài và ảnh: Phương Nghi