Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Trải nghiệm cuộc sống của người nông dân trồng rau tại Làng rau Trà Quế (Quảng Nam).
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu chuẩn bị nội dung, đảm bảo Hội thảo được tổ chức hiệu quả, thiết thực. Xây dựng được chiến lược về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững cho vùng nông thôn, miền núi, vùng DTTS và vùng biển, đảo, tạo động lực đưa các vùng này phát triển; tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân...

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau 7 năm xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn, miền núi, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Đồng thời, du lịch nông thôn sẽ là động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm, bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn, miền núi, vùng DTTS hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù và thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững.

Hiện nay, một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành “thương hiệu” của vùng như tour trải nghiệm, tham quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai... Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ...

Không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, biển đảo Việt Nam trong tương lai.

Minh Hiền