Phát sinh khó khăn của Ngành Giáo dục Thanh Hóa: Khi xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn
Lớp học mượn của điểm trường Cá Giáng, Trường tiểu học Trung Lý 2 tại bản Cánh Cộng (xã Trung Lý, huyện Mường Lát), bên trong lớp học có nhiều vết nứt, thấm dột vào mùa mưa.
Một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1535/QĐ-TTg về việc công nhận 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Kiên Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024. Có được kết quả đáng mừng đó là nhờ quyết tâm, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở cùng chung tay với người dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, việc ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn cũng đồng nghĩa với việc các xã, thôn sẽ không còn được hưởng một số chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước, trong đó ảnh hưởng trực tiếp trước mắt là Ngành Giáo dục đang đối mặt với không ít khó khăn, khi nhiều chế độ của học sinh và giáo viên ở các xã này đều bị cắt.
Trường thiếu giáo viên
Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc ra đời, tỉnh Thanh Hoá có 74 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Cán bộ, giáo viên công tác tại đây không còn được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm, khoản trợ cấp lần đầu. Nhìn chung, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường xá đi lại đến các điểm trường gặp nhiều khó khăn, mà thu nhập bị giảm đi, ảnh hưởng đến đời sống gia đình, nhiều cán bộ, giáo viên công tác lâu năm đã xin chuyển công tác về miền xuôi, thậm chí có giáo viên xin ra khỏi ngành. Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, chỉ riêng năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện đã có 9 giáo viên và 5 nhân viên xin thôi việc. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các huyện miền núi trong năm học 2024-2025.
Vừa qua, nhiều huyện miền núi trong tỉnh thông báo tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, nhiều vị trí giáo viên đặc thù (tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học) không có đủ hồ sơ dự tuyển, như: Huyện Thường Xuân hiện còn thiếu khoảng 80 giáo viên so với định biên; huyện Lang Chánh mới đây tuyển dụng biên chế giáo viên, nhưng có tới 5 vị trí giáo viên đặc thù không có hồ sơ dự tuyển; huyện Quan Sơn 7 vị trí giáo viên đặc thù không thu được hồ sơ…
Đại biểu Hà Thị Hương - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa kiến nghị các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên và người lao động công tác tại các huyện miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi không còn xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Từ đó góp phần thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích người lao động yên tâm công tác gắn bó lâu dài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lớp thiếu học sinh
Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương vừa ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn còn chưa ổn định, việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn học sinh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ khi đến trường, như: Học sinh không được hỗ trợ hằng tháng (không quá 9 tháng) các chế độ; tiền ăn (bằng 40% mức lương cơ sở); tiền nhà ở (bằng 10% mức lương cơ sở); gạo (15kg/học sinh)…
Trưởng Phòng GDĐT huyện Ngọc Lặc - Nguyễn Tài Toàn cho biết: Đến nay toàn huyện có 11.000 học sinh bị cắt giảm học phí; gần 500 học sinh bị cắt chế độ ăn bán trú; 1.300 trẻ em mầm non bị cắt chế độ ăn trưa. Khi không còn được hỗ trợ ăn, ở bán trú, nguy cơ học sinh bỏ học, đi học không đầy đủ là rất lớn. Bởi vậy, để các em đi học đầy đủ, chuyên cần, Ngành Giáo dục huyện đã kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên và các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ tiền ăn bán trú hoặc cơ sở vật chất cho các em được ở lại trường... Đặc biệt là thường xuyên nắm bắt tình hình để vận động học sinh đến trường đầy đủ.
Đứng trước những khó khăn của học sinh sau khi nhiều địa phương (cấp xã) không còn được hưởng chính sách theo tiêu chí vùng đặc biệt khó khăn, một số đơn vị trường đã có những giải pháp để hỗ trợ, giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đến trường. Cô giáo Hà Thị Như - Hiệu trưởng Trường mầm non Cổ Lũng, xã Cổ Lũng (Bá Thước) cho biết: Trong điều kiện cuộc sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thì sau khi cắt hỗ trợ việc vận động trẻ mầm non ra lớp đúng độ tuổi gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương, cùng với thầy cô giáo “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động gia đình tìm các giải pháp thích hợp để con em đến trường đầy đủ. Đồng thời tích cực vận động các nhà hảo tâm, kêu gọi giáo viên hỗ trợ các em về chi phí học tập, ăn bán trú...
Đến nay, Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa đang tìm giải pháp, mà trước hết là tham mưu cho các cấp, các ngành ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ giáo viên, học sinh các huyện nghèo, xã biên giới. Về lâu dài thiết nghĩ các cấp, ngành có liên quan cần nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh các xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhằm tạo điểm tựa cho giáo dục vùng khó vươn lên.
Hồ Thanh Hương