Phát huy tiềm năng của miền núi

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, việc thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Một số vùng có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay cả nước còn khoảng gần 6%, giảm hơn 5% so với năm trước. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh, ở các tỉnh vùng Tây Bắc giảm khoảng 10%, Tây Nguyên giảm hơn 8%, ĐBSCL giảm gần 6%.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, miền núi cao luôn thua thiệt so với các tỉnh, thành phố đồng bằng, duyên hải. Đó cũng là một thực tế, vì những nơi này địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, đất canh tác ít, khí hậu lại khắc nghiệt. Hệ thống đường giao thông, bệnh viện, trường học cũng thật khó phát triển. Có những nơi người dân vẫn chưa được dùng điện. Không ít nơi đường nhựa chưa vào tới trung tâm xã. Lại có những nơi, một trường học của xã có tới cả chục điểm trường. Dân cư phân tán, điều kiện sống không thuận lợi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con không ít gian nan.
Khi mà kinh tế không phát triển được, nhất là về công nghiệp, du lịch, dịch vụ thì tất yếu dẫn tới những bất cập về xã hội. Nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, không để tệ nạn xã hội xâm nhập và tàn phá, đó chính là sự nghiệp trước mắt nhưng cũng là lâu dài đối với miền núi.
Cùng với việc địa phương “trải thảm đỏ”, có những chính sách ưu đãi doanh nghiệp, thì rất cần một chủ trương đầu tư mang tính tổng thể của Nhà nước. Khi mà những địa bàn thuận lợi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư thì miền núi cao rất cần vốn của Nhà nước. Với những khu vực thuận lợi, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, giảm dần sự đầu tư từ ngân sách để dùng ngân sách ấy kiến thiết những khu vực khó khăn.
Không thể phủ nhận việc đầu tư lớn của Nhà nước cho miền núi, nhưng cũng không thể không nhận thấy khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi với miền xuôi đang giãn rộng. Phát triển kinh tế-xã hội miền núi, khi mà nội lực chưa được phát huy thì phải đầu tư mạnh mẽ để khơi dậy tiềm năng, biến tiềm năng thành hiện thực lực, thực tế.
Kim Loan