Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH: Kiểm tra, giám sát kịp thời
CCB Lô Văn Biên, (Bản Tờ, xã Yên Khê) bên vườn cam đang được triển khai trồng mới.
Dưới cái nắng chói chang của ngày cuối tháng 7, chúng tôi theo Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội CCB huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cùng với lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông đến kiểm tra thực tế hiệu quả vay vốn ngân hàng của các hộ gia đình CCB trong huyện. Qua đó mới thấy, những đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã được quản lý, sử dụng như thế nào.
Hộ gia đình CCB Lương Văn Hoành ở Bản Pha, xã Yên Khê, là một trong những gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Tiếp Đoàn công tác, ông Hoành kể lại quá trình vương lên xóa nghèo của gia đình.
Trước đây gia đình CCB Lương Văn Hoành là một trong những hộ cận nghèo của Bản Pha. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB xã Yên Khê quản lý, gia đình được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông. Với số tiền đó, ông mạnh dạn mua 3 con bò cái, 6 xe ô tô phân chuống, 600kg phân NPK; cải tạo vườn tạp, mở mang diện tích trồng cam. Có đất và làm chủ việc canh tác, ông cùng cả nhà chịu thương chịu khó, vất vả sớm hôm và đã thu được thành quả. Đến nay, gia đình CCB Lương Văn Hoành đã có đàn bò 8 con, một vườn cam hơn 600 gốc, đàn gà hơn 100 con, lợn thịt mỗi lứa từ 3 đến 5 con. Trung bình mỗi năm sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông thu được từ 60 đến 80 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, CCB Lương Văn Hoành còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong bản cùng thi đua làm giàu. Hiệu quả kinh tế của việc vay vốn và sử dụng vốn vay của gia đình ông đã lan tỏa đến người dân trong bản, trong xã. Ông vận động bà con đóng lãi, tiết kiệm vay vốn tốt và thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. CCB Lương Văn Hoành phấn khởi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, có cái ăn, cái mặc. Tôi sẽ cố gắng sử dụng hiệu quả nguồn vốn và giúp đỡ mọi người cùng nhau làm kinh tế, góp phần cải thiện đời sống gia đình, làng bản”.
Một điển hình khác là CCB Lô Văn Biên, ở Bản Tờ, xã Yên Khê đã vươn lên từ đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH. Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia quân ngũ, ông Biên tham gia công tác xã hội ở địa phương và trải qua các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của xã Yên Khê, đến nay đã nghỉ hưu. Với đồng lương ít ỏi, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn. Các con đang tuổi ăn học, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Không cam chịu đói nghèo, với nguồn vốn vay 50 triệu đồng theo đối tượng hộ nghèo, CCB Lô Văn Biên đã cần cù chịu khó cải tạo đất đồi để trồng cam, chăn nuôi lợn, gà. Nhờ đó, đến nay, gia đình ông Biên nuôi 150 con gà, 10 con lợn mỗi lứa, 300 cây cam cho thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng/năm. Trả hết nợ vay Ngân hàng CSXH, ông đang tiếp tục đầu tư trồng mới 400 cây cam.
Đồng chí Nguyễn Cảnh Thân - Phó chủ tịch Hội CCB huyện Con Cuông cho biết: “Đến nay, hội viên CCB đã vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông với tổng dư nợ 92 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm đến nay tăng 18 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đó, hội viên CCB đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh... đã tạo ra nhiều việc làm mới. Nhờ đó, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Qua đợt kiểm tra hôm nay, chúng tôi thấy hội viên CCB đã sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Các tổ vay vốn đã thực hiện đúng chức năng, thủ tục và quy định để giúp hội viên vay vốn được thuận lợi. Có nơi còn trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn hội viên đầu tư và sử dụng vốn vay kịp thời. Hằng năm, các cấp Hội CCB thường xuyên phối hợp cùng với Ngân hàng CSXH tổ chức kiểm tra như thế này. Qua đó, đánh giá đúng việc sử dụng vốn vay của hội viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh, qua đó nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH càng được phát huy hiệu quả”.
Lương Ánh Sao