Phát huy di tích cũng cần thiết thực
Chiêm ngưỡng cảnh quan nơi đây, cảm giác rất rõ trong tôi là Phố Hiến xa xưa, TP. Hưng Yên nay quyện hòa vào nhau khó mà tách bạch. Xen lẫn nhà phố hiện đại là đền, chùa cổ kính rêu phong dưới tán cây xanh mướt. Cảm nhận đó bàng bạc trong tâm trí và trên từng bước ta đi. Tiếng chim hót trong trẻo làm lòng ta thanh thản, tâm hồn trong tĩnh. Tôi thả bộ vào Đền Trần, qua Đến Mẫu, đến Văn miếu Xích Đằng… dưới những tán nhãn trải hoa vàng như nắng. Đền Trần thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; đền Mẫu thờ Dương Quý Phi; Văn miếu Xích Đằng tôn vinh 200 tên tuổi khoa bảng, “nguyên khí” của Hưng Yên, của quốc gia. Vãn cảnh, chiêm bái 3 trong số 16 di tích của Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng Di tích QBĐB vào năm 2014 là một dịp may hiếm có với tôi.
Về những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, Khu di tích Phố Hiến tự chúng đã được khẳng định trong quyết định xếp hạng Di tích QGĐB. Từ trước đến nay, qua nhiều thập kỷ, Phố Hiến đã được nghiên cứu, sách vở, truyền thông nói đến gần như thỏa mãn người tìm hiểu. Phố Hiến, vị thế chỉ đứng sau kinh đô Thăng Long, là một thương cảng lớn, trung tâm thương mại giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh ở Đàng Ngoài từ thế kỷ XVI-XVII như trên đã nói. Khi đặt chân đến đây, tôi lại được thêm một lần làm giàu tâm hồn, bồi đắp xúc cảm với vẻ đẹp quyến rũ của Phố Hiến xưa, hiện lên lung linh trong không gian mới hôm nay.
Điều đó được cụ thể hóa ở đền Mẫu. Đây là ngôi đền có từ thế kỷ XIII, được trùng tu từ thế kỷ XIX như hiện nay, theo tôi là một tuyệt tác về kiến trúc. Trước cửa đền là cây sanh si, đa gần 800 năm tuổi. Tương truyền, xưa kia, là cây bàng cổ thụ, chim chóc về đậu mang theo những hạt cây sanh, si, đa và bỏ lại trên thân bàng. Những hạt đó mọc thành cây và phát triển ngay trên thân, dần dần, rễ ba cây sanh, si, đa tìm xuống đất, bao trùm kín quanh thân cây bàng tạo thành thế chân kiềng vô cùng độc đáo …
Đến di tích Văn miếu Xích Đằng, một trung tâm giáo dục xưa thuộc quần thể di tích Phố Hiến, lại cho tôi một điều ngạc nhiên khác. Di tích được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, thờ Khổng Tử và Chu Văn An. Nơi đây hội thụ “nguyên khí”, hiền tài với 9 tấm bia đá cổ quý giá ghi tên tuổi 200 vị khoa bảng. Ngày nay, Văn miếu Xích Đằng tiếp tục hun đúc tinh thần hiếu học, rèn người cho các thế hệ sau. Di tích có ý nghĩa và giá trị là thế, nhưng tôi băn khoăn do nó chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, có những cái “thêm vào” không phù hợp. Chẳng hạn, đoạn đường trước di tích chưa được nâng cấp, có phần nhếch nhác như bị bỏ quên. Việc mở thêm một cái cửa mới bên phải (nhìn từ ngoài vào) sát cổng tam quan đón khách là không phù hợp, làm mất tính tính hoàn chỉnh của kiến trúc di tích, gợi đến một cái cửa công sở.
Đền thờ Chử Đồng Tử-Tiên Dung ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, cũng là một di tích linh thiêng, hiện thân của cuộc tình truyền thuyết chàng trai họ Chử nghèo khổ với một nàng công chúa-bản tình ca có sức sống mãnh liệt qua bao đời nay. Đôi trai gái trái ngược nhau về số phận, duyên tiền định, đã nên vợ nên chồng. Ngôi đền thiêng bao năm nay đón khách hành hương về chiêm bái, tưởng nhớ một trong bốn “Tứ bất tử”. Nhưng cũng như các đền, chùa ở nhiều địa phương khác, trước cửa đền Chử Đồng Tử-Tiên Dung cũng còn cảnh bán hàng nhếc nhác, làm mất đi sự linh thiêng, tôn nghiêm của đền, mất đi vẻ đẹp cổ kính của di tích.
Hưng Yên, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống, tích tụ tinh hoa của nền văn hóa, văn minh sông Hồng. Trong tỉnh hiện còn lưu giữ 1.210 di tích, trong đó có 161 di tích cấp quốc gia, 1 di tích QGĐB, 400 lễ hội dân gian. Đây cũng là mảnh đất vào thời trung-cận đại sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhà văn hóa, chính trị, quân dự làm rạng danh đất nước: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật… và Hưng Yên có Phố Hiến, một thương cảng Đàng Ngoài nổi danh từ thế kỷ XVI-XVII, niềm tự hào không chỉ của người dân Đất Nhãn mà của cả nước.
Có một ý kiến đưa ra: Phục dựng Phố Hiến như không gian, vị thế vốn có của nó, trong điều kiện, khả năng có thể. Đến TP. Hưng Yên khách thập phương chỉ nghe câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, tưởng tượng, chứ không được mục kích một con phố nào của Phố Hiến xưa mặc dù sách vở, thư tịch xưa miêu tả sinh động, hấp dẫn. Nên chăng, có sự phục dựng lại Phố Hiến ở mức có thể. Phố Hiến đô hội, Phố Hiến thương cảng sầm uất, Phố Hiến nổi tiếng khu vực và thế giới trong thế kỷ XVI, đã mất đi. Đất nước cần một Phố Hiến làm biểu tượng của tinh thần kinh doanh của người Việt. Chúng ta hiện đang loay hoay trong việc xác định thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể nhận được những bài học về kinh tế quý giá của ông cha từ Phố Hiến xưa.
Bên cạnh việc khai thác di sản văn hóa cha ông để lại, tạo nguồn lực vật chất cho địa phương, thì phát huy di tích lịch sử văn hóa cần được quan tâm đầy đủ, đúng mức, theo tinh thần thiết thực. Bắt đầu từ những hoạt động, những việc cụ thể, tránh căn bệnh hô hào chung chung. Tôi đồng tình với một ý kiến cho rằng: “Hễ nói di tích là ca ngợi đến mây xanh, nhưng khi đến thì thấy rất lem nhem”. Vì vậy, tôn tạo, phát huy di tích cần thiết thực, cụ thế, tránh hô hào chung chung. Với Khu di tích Phố Hiến, là vấn đề quy hoạch, là trước tiên dựng biển ghi danh hiệu “Di tích quốc gia đặc biệt” ở vị trí trung tâm cũng như tại các di tích thuộc quần thể. Tỉnh cần đầu tư hoạt động quảng bá, khai thác di tích, tôn tạo di tích, chăm sóc cảnh quan không gian di tích; nâng cấp hạ tầng cơ sở; lập lại trật tự, trả lại nét đẹp văn hóa Khu di tích Phố Hiến.
Như thế sẽ tránh được điều tiếng di tích chưa được phong danh hiệu thì lo “chạy” bằng được, khi được cấp danh hiệu rồi thì chỉ nghĩ đến khai thác di tích với mục đích thương mại.
Nguyễn Minh Nguyên (4-2016)