Phát hiện lục địa cổ bên dưới Ấn Độ Dương (25/02/2013)

Một lục địa duy nhất từng tồn tại trên trái đất. Giới khoa học gọi lục địa đó là Rodinia. Trong lục địa đó, Ấn Độ nằm cạnh Madagascar. Khoảng 750 triệu năm trước, Rodinia tách thành nhiều lục địa nhỏ hơn. Do sự kiện đó, ngày nay Ấn Độ và Madagascar cách nhau vài nghìn km.

Giờ đây giáo sư Trond Torsvik, một nhà địa chất của Đại học Oslo tại Na Uy, cùng các đồng nghiệp tuyên bố họ đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một vùng đất từng nằm giữa Ấn Độ và Madagascar, *BBC *đưa tin. Họ đưa ra kết luận sau khi nghiên cứu cát trên các bãi biển của đảo quốc Mauritius trong Ấn Độ Dương. Mặc dù phần lớn cát ở đây được tạo ra từ một vụ núi lửa phun trào 9 triệu năm trước, các nhà khoa học phát hiện nhiều hạt cát có niên đại lớn hơn rất nhiều.

"Những hạt cát ấy là dạng vật chất đặc trưng trong lớp vỏ của một lục địa. Niên đại của chúng lên tới hàng trăm triệu năm", Torsvik phát biểu.

Do những hạt cát có niên đại tới 600 triệu năm, nhóm nghiên cứu kết luận chúng là tàn dư của một lục địa cổ bên dưới Ấn Độ Dương. Đợt phun trào núi lửa dưới đáy Ấn Độ Dương cách đây 9 triệu năm đã đẩy chúng lên.

Giáo sư Torsvik tin rằng những mảnh lục địa cổ nằm ở độ sâu khoảng 10 km so với bề mặt đảo và bên dưới đáy Ấn Độ Dương. Những nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp ông và các cộng sự hiểu thêm về lục địa ấy.

Theo Vnexpress

(TH)