Phát hiện dạng thiên thạch sao Hỏa mới (12/01/2013)

Các phân tích được đăng trên tờ tạp chí nổi tiếng Science, đã cho thấy viên thiên thạch mầu đen sẫm này có niên đại lên tới 2,1 tỷ năm tuổi.

Nặng 320 gram, viên đá này được phát hiện tại một sa mạc ở Morocco vào năm 2011 và được đặt tên chính thức là Tây Bắc Phi (NWA) 7034, nhưng người ta vẫn thường gọi nó là “"Black Beauty” (Vẻ đẹp mầu đen). Mẩu thiên thạch có vân đá và cấu trúc hóa học riêng biệt khiến nó khác hẳn với các loại thiên thạch khác mà người ta từng phát hiện được trên bề mặt Trái đất. Đồng thời, các nhà khoa học cũng phát hiện được rằng thiên thạch này có nguồn gốc từ sao Hỏa.

Ông Carl Agee, người phụ trách nhóm nghiên cứu nói: “Viên đá này có một số nét tương đồng với các loại thiên thạch sao Hỏa khác, nhưng nó cũng có những điểm rất khác biệt, cả về hình thức lẫn cấu tạo bên trong”.

Cho đến nay, người ta mới chỉ phát hiện được khoảng hơn 100 mảnh thiên thạch sao Hỏa trên khắp thế giới. Sau những vụ va chạm với sao chổi hoặc tiểu hành tinh với Hành tinh Đỏ, những mảnh thiên thạch này đã bị văng ra và sau đó trải qua hàng triệu năm chu du trong vũ trụ trước khi rơi xuống Trái đất. Những thiên thạch này hầu như đều được phát hiện trong những tình huống rất tình cờ (rất hiếm khi chúng được phát hiện ra khi đang rơi xuống Trái đất).

Gần như tất cả các loại thiên thạch sao Hỏa đều được phân vào một trong ba nhóm có tên là Shergotty, Nakhla và Chassigny. Các nhà khoa học thường đơn giản xếp gọi những thiên thạch này là các thiên thạch SNC. Tuy nhiên, GS Agee và đồng nghiệp cho rằng thiên thạch NWA 7034 mà họ nghiên cứu nên được xếp vào nhóm riêng của nó.

Viên đá này có đặc điểm của một viên đá trầm tích núi lửa đen. Nó được tạo thành bởi một loạt các mảnh vụn được gắn kết với nhau dưới điều kiện nhiệt độ cao của một vụ núi lửa phun trào. Có rất nhiều mẫu thiên thạch Mặt trăng có hình thức giống như vậy, tuy nhiên chưa từng có viên thiên thạch SNC nào trông tương tự như vậy cả.

Về mặt địa hóa học, NWA 7034 có thành phần chủ yếu là các nguyên tố kiềm như Kali và Natri. Thành phần này hoàn toàn giống với những gì mà xe tự hành đã phát hiện được khi khảo sát các nền đất ba-zan trên bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, đây không phải là một đặc điểm mà người ta thường hay phát hiện được đối với các thiên thạch SNC.

Nhóm nghiên cứu của GS Agee cũng phát hiện được rất nhiều hơi nước trong mảnh thiên thạch mới với tỷ lệ lên tới khoảng 6.000 phần triệu. Tỷ lệ này cao gấp mười lần so với tỷ lệ thường thấy ở những mẫu vật SNC giàu nước nhất. Điều này đã giúp các nhà khoa học biết được đôi chút về môi trường đã hình thành nên viên thiên thạch, một môi trường có rất nhiều nước và đất bazan.

GS Agee giải thích: “Hòn đá này đã được tạo nên từ hai tỷ năm trước đây và rất nhiều các thiên thạch loại SNC chỉ có độ tuổi từ 200 đến 400 triệu năm. Và tất nhiên là trong những khoảng thời gian này sao Hỏa là một hành tinh khô, lạnh với một bầu khí quyển mỏng. Mặt khác, rất nhiều người tin rằng thời sơ khai của sao Hỏa có một bầu khí quyển ấm áp và ẩm thấp hơn nhiều và thậm chí còn có khả năng có sự sống. Vậy thì điều gì đã xảy ra ở giữa những khoảng thời gian đó? Điều gì đã khiến điều kiện thời tiết khô ráo hơn xuất hiện?”.

Và ông Agee cùng các đồng nghiệp của mình tin rằng mảnh thiên thạch NWA 7034 với niên đại hai tỷ năm tuổi có thể sẽ là câu trả lời cho những vấn đề này.

Theo NDĐT

(TH)