Mới cuối tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc sau 7 năm, do quan hệ hai nước lâm vào khủng hoảng bởi tranh chấp lãnh thổ và một số yếu tố tồn đọng từ thời chiến tranh. Để tỏ rõ thiện tình, ông Abe đưa theo một phái đoàn gồm đại diện của khoảng 500 doanh nghiệp Nhật Bản. Trung Quốc cũng trải thảm đỏ và đón tiếp Thủ tướng Abe bằng những nghi thức long trọng nhất. Kết quả nổi bật của chuyến thăm là ngày 26-10, hai bên công bố ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế có giá trị lên tới 18 tỷ USD.
Ngược lại với bầu không khí hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo đã có chặng dừng chân ở Bắc Kinh sau khi thăm Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Chuyến thăm 3 ngày tới 4 nước của ông Pompeo tạo được bước tiến mới trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng lại bị dội một gáo nước lạnh về mặt kinh tế. Số là, theo báo chí Trung Quốc và một số hãng thông tấn nước ngoài, ông Pompeo bị Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị chỉ trích tới gần một tiếng đồng hồ, gần hết khoảng thời gian hai bên gặp nhau, về vấn đề chiến tranh thương mại. Ông Pompeo thậm chí cũng không được mời ở lại dùng cơm theo thông lệ ngoại giao.
Như vậy, cho dù Trung Quốc có các biện pháp áp thuế trả đũa Mỹ, nhưng các đòn đánh kinh tế của Mỹ tung ra quá mạnh và đồng bộ khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ và tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để duy trì đà tăng trưởng. Không chỉ với Trung Quốc, Nhật Bản cũng bị tổn thất lớn nếu không nhanh chóng có các bước điều chỉnh kịp thời. Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Nhật Bản. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lên tới khoảng 250 triệu người, gấp đôi dân số Nhật Bản. Một khi Trung Quốc bị tác động xấu do của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản ắt sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Rõ ràng, Nhật Bản là đồng minh của Mỹ nhưng không vì thế mà đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bởi nếu không thì nền kinh tế Nhật Bản cũng lâm vào thế khó.
Hợp tác tốt về kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ là động lực để hai bên cải thiện các mối quan hệ khác. Trong buổi tiếp Thủ tướng Abe ngày 26-10, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình khẳng định với các nỗ lực chung, quan hệ Trung - Nhật hiện nay đã trở lại quỹ đạo bình thường và có xu hướng phát triển tích cực. Trong khi đó, ông Abe cho rằng hai bên có thể mở ra thời kỳ hợp tác mới trong quan hệ song phương. Ông khẳng định hai bên cần thúc đẩy quan hệ song phương trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, không đe dọa lẫn nhau, cùng đóng góp cho hoà bình ổn định quốc tế, khu vực và bảo vệ thương mại tự do.
Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới sau Mỹ. Dù hai nước có nhiều bất đồng nhưng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại đẩy hai nước sát lại gần nhau với những lợi ích kinh tế trước mắt rất rõ.
Ngọc Hưng