Phấn đấu đưa nợ xấu ngân hàng về mức an toàn theo thông lệ quốc tế (22/08/2012)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng... Còn theo kết quả giám sát của NHNN, đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Và từ nhiều nguồn số liệu, Thống đốc khẳng định số liệu từ NHNN là chính xác và có cơ sở nhất. Và trong thời gian qua, NHNN đã xử lý nghiêm về việc một số ngân hàng báo cáo nợ xấu không đúng với sự thật.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ ra một số nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua. Từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút... làm cho tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 chậm lại đáng kể và trong 7 tháng đầu năm 2012 (chỉ tăng 1,02% nhưng nợ xấu tăng tới 45,5%).

Về nguyên nhân chủ quan, theo Thống đốc, là do công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn bất cập... Một số tổ chức tín dụng áp dụng chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các NH thương mại cổ phần chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng... Năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Từ đó, Thống đốc nêu các giải pháp: NHNN đã thay đổi lại cơ bản các văn bản quy định về hoạt động tín dụng, sẽ ban hành đầy đủ trong quý 3 năm nay và có hiệu lực từ 2013; sắp xếp lại cơ quan thanh tra giám sát hoạt động các NH; phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; phối hợp với chính quyền địa phương, tòa án để phát mại, xử lý nhanh các khoản nợ trong hệ thống NH để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn... Thống đốc cho biết, đến nay các tổ chức tín dụng trong cả nước đã trích lập 70.000 tỉ đồng để dự phòng giải quyết nợ xấu.

"Mục đích thời gian tới đưa nợ xấu ngân hàng giảm xuống, tiến tới đảm bảo ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế. Hiện tại theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là dưới 3%, từ 3-5% là ở mức độ báo động” - Thống đốc nhấn mạnh - "Đó là mục tiêu chúng ta phải hướng tới, còn đến khi nào chúng ta có thể đạt tới mức đó thì đã có thời gian đạt được mức đó rồi, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan hiện chúng ta đang có tỷ lệ nợ xấu cao. Và hiện nay toàn hệ thống đang có nỗ lực để giảm, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt phụ thuộc vào môi trường kinh tế trong nước và thế giới"...

Ngân hàng sát cánh cùng doanh nghiệp nhưng không được hạ tiêu chuẩn tín dụng

Về giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong những tháng qua, NHNN đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nói rõ: Tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng phải làm sao nợ xấu không tăng, vì hiện nợ xấu đang là vẫn đề lo ngại và hiện nay chúng ta đang phải tìm mọi biện pháp để xử lý. Do vậy phải tránh nợ xấu là việc làm cấp bách hiện nay, chúng ta vừa phải khắc phục nợ xấu trước đây, đồng thời phải có trách nhiệm không làm nợ xấu gia tăng trong thời gian tới. Do vậy, NHNH yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN, sát cánh cùng DN nhưng trong mọi trường hợp không được hạ tiêu chuẩn tín dụng. Do vậy, nếu vì lý do NH chưa quan tâm sâu sắc cho DN thì chúng tôi sẽ tiếp thu và có chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, nhưng nếu là những vấn đề liên quan đến hạ tiêu chuẩn tín dụng thì chúng tôi không khuyến khích và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm túc tiêu chuẩn cho vay.

Nhắc đến chuyện bà con nông dân vay vốn ngân hàng, thủ tục còn rườm rà, chậm, chưa thuận lợi, chưa tạo điều kiện dễ dàng, lãi suất còn cao, vốn không dài hạn dẫn tới việc bà con nông dân đến thời vụ phải bán lúa sớm, bị thương lái ép giá... Thống đốc nhấn mạnh: Tất cả thực tiễn này, trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi đã biết rất rõ và hiện nay đang tìm cách khắc phục. Hiện NHNN đã có nhiều giải pháp làm sao đơn giản hóa các thủ tục vay vốn cho bà con, tạo điều kiện cho bà con nông dân vay vốn dễ dàng mà không cần phải thế chấp tài sản... Đồng thời, sẽ cải tiến quy trình cho vay vốn tại các NH thương mại thuận lợi hơn nữa đối với bà con nông dân trong thời gian tới.

Cụ thể như trường hợp vụ tôm chết hàng loạt ở Sóc Trăng khó khăn trả nợ cho ngân hàng, Thống đốc cho biết, đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, và đặc biệt Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp xuống khảo sát tình hình dịch bệnh nuôi tôm và có trao đổi lại với NHNN và hiện NHNN cũng nắm khá rõ vấn đề này. Trong thời gian vừa qua, NHNN đã có chỉ đạo Ngân hàng NN&PTNT có biện pháp để khoanh nợ, dãn nợ đối với các hộ nuôi tôm và theo chỉ đạo hiện nay của Thủ tướng Chính phủ đối với các đối tượng này, có thể khoanh nợ 24 tháng. NHNN sẽ kiểm tra lại để có các biện pháp đảm bảo đầy đủ thủ tục giải quyết cho bà con nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng.

09 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải cơ cấu lại

Theo Thống đốc cho biết, trước khi Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì từ cuối tháng 10/2011, NHNN đã chủ động đánh giá và phân loại các tổ chức tín dụng theo mức độ lành mạnh, an toàn. Qua đó, NHNN xác định được 09 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải cơ cấu lại và đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai một số biện pháp xử lý đối với các ngân hàng

Đến nay, 3 Ngân hàng: Sài gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa đã được hợp nhất. Ngân hàng Tiên Phong đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng tự củng cố, chấn chỉnh. Ngân hàng Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội. Phương án cơ cấu lại Ngân hàng Dầu khí đang được trình Thủ tướng cho ý kiến. 3 ngân hàng yếu kém còn lại đang được khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại./.

A Hoàng