Phân biệt cây rau ăn được và cây không ăn được

Từ kinh nghiệm của nhân dân địa phương và qua thực tiễn của bộ đội đã hoạt động lâu trên vùng rừng núi, Viện Điều tra nghiên cứu phân loại thực vật, Bộ Quốc phòng rút ra một số nhận xét có tính qui luật là cơ bản những loại cây có quan hệ họ hàng với những cây ăn được, thường là cây ăn được - khả năng này càng nhiều khi quan hệ họ hàng giữa chúng càng gần gũi nhau.

Ví dụ: Những cây thuộc họ rau dền (có quan hệ họ hàng với cây rau dền tía) như rau rệu, cỏ xước, dền gai, mào gà trắng, cỏ cước dài... là những cây mọc hoang dại nhưng có thể dùng làm rau ăn. Tương tự như vậy, nhiều cây thuộc họ cải (có quan hệ họ hàng với rau cải, cải bắp...) như tề thái, cải dại, cải soong... cũng là những cây ăn được.

Vậy thế nào là quan hệ họ hàng, quan hệ họ hàng gần gũi? Bằng cách đơn giản có thể xác định như sau: Những cây quan hệ họ hàng với nhau thường có những đặc điểm cấu tạo và hình thái giống nhau, đặc biệt trong các cơ quan sinh sản (hoa, quả, hạt). Các đặc điểm đó giống nhau càng nhiều, thì quan hệ họ hàng càng gần gũi nhau.

Tuy nhiên, vẫn không loại trừ những ngoại lệ là một số cây có quan hệ gần gũi với những cây ăn được lại có những cây độc. Ví dụ họ củ nâu gồm nhiều loài có củ ăn được như của cải, củ từ, củ mài... nhưng củ nâu lại có củ độc.

Tóm lại, việc phân biệt những cây làm rau ăn được và cây độc là khá phức tạp và rất khó, phải kết hợp những hiểu biết khoa học với kinh nghiệm của nhân dân địa phương sống lâu ở vùng rừng núi; phải có kiểm tra, phân tích kĩ càng. Thiếu thận trọng hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm một cách máy móc đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Nguyễn Đông Thức