Phân biệt các bệnh cảm cúm giữa dịch Covid-19
Dịch Covid-19, cúm A và cảm lạnh đều gây nên triệu chứng sốt. Để giúp người dân tránh nhầm lẫn, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ một số cách nhận diện và xử trí.
Dịch Covid-19, cúm A và cảm lạnh đều có biểu hiện chung của sốt và các dấu hiệu của viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố dịch tễ và diễn tiến của bệnh các bác sĩ sẽ có căn cứ để phân biệt ba bệnh này.
Người đi lại từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với người bệnh đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng là yếu tố dịch tễ của dịch Covid-19. Thông thường cảm lạnh chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ và sẽ hết trong vòng 5-7 ngày. Đối với dịch Covid-19 và cúm A có thể nhẹ nhưng một số trường hợp sẽ dẫn đến biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm xoang, sốc, suy đa tạng do virus cúm hoặc do bội nhiễm.
Xử trí kịp thời ca bệnh giữa mùa dịch
Bỗng dưng bị sốt kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp giữa dịch Covid-19 sẽ khiến nhiều người trở nên hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khuyên mọi người nên bình tĩnh xử trí.
Với ca bệnh nghi nhiễm virus Sars-CoV-2 hoặc cúm A, cần phải đi khám ngay và thực hiện cách ly đúng quy định. Nếu có các dấu hiệu mệt nhiều, đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ dấu hiệu nặng nào khác đi kèm, cần tái khám ngay. Trong thời gian bị bệnh, bao gồm cả cảm lạnh, bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ăn trái cây và rau có chứa nhiều vitamin A, C, D, E.
Ngoài việc hạ sốt kịp thời khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ như aspirin và corticoid. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành sát khuẩn và vệ sinh khu vực có người bệnh để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Thùy Linh