Phân biệt bệnh bạch hầu và viêm họng

Hiện nay, tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, điều nguy hiểm là các dấu hiệu ban đầu của bệnh bạch hầu rất giống với các bệnh đường hô hấp thông thường. Do vậy, nhiều người thường nhầm lẫn bệnh bạch hầu với viêm họng, viêm amidan hoặc viêm họng do nhiễm nấm candida. Chúng ta có thể dựa trên một số điểm khác biệt sau đây để phát hiện sớm và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Điểm giống nhau giữa bệnh bạch hầu và viêm họng, amidan là đều có biểu hiện sốt, nuốt đau, sưng đau hạch vùng cổ.

Phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng:

Bạch hầu là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nên khiến người bệnh xanh tái, mệt mỏi hơn so với các tác nhân đường hô hấp thông thường. Thời gian ủ bệnh có thể sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi lẫn máu.

Viêm họng, viêm amidan thường chỉ khu trú ở vùng họng, ít khi xâm lấn đến các bộ phận khác. Ngược lại, vi khuẩn bạch hầu tạo ra giả mạc ở họng. Chúng có thể phát triển, lan xuống thanh quản gây ra triệu chứng ho nhiều, khàn tiếng, thở rít.

Cả ba bệnh đều có khả năng gây sưng họng, nhưng bệnh bạch hầu có nguy cơ cao hơn và thường gây sưng to hơn, trường hợp nặng gây ra hiện tượng cổ bạch.

Phân biệt bệnh bạch hầu với nhiễm nấm:

Mới đây, Lào Cai cũng ghi nhận một ca mắc nấm candida có biểu hiện tương tự bạch hầu. Candida là một loài nấm men, lây từ mẹ sang con hoặc tiếp xúc với dịch tiết âm đạo, mồ hôi, tế bào bong ra từ người bệnh; sử dụng thực phẩm và uống nước nhiễm nấm. Mầm bệnh ký sinh trên da và niêm mạc, thường biểu hiện ở dạng nấm da, viêm âm hộ, âm đạo... Như trường hợp ghi nhận ở Lào Cai, nấm phát triển ở vùng họng nhìn như lớp giả mạc của bạch hầu.

Để phân biệt, nấm Candida có màu trắng, giả mạc có thể gây chảy máu hoặc không. Trong một số trường hợp, phần trắng của nấm không bám chặt vào mô bên dưới, dễ dàng lau hoặc chải sạch.

Trong khi đó, giả mạc của bạch hầu thường có màu trắng ngà, trắng xám, không tan trong nước. Lớp giả mạc của bạch hầu có thể gây chảy máu và mọc lại nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc có thể phát triển, lan rộng hoặc phồng to, gây ngạt thở, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Việc tự phân biệt bệnh bạch hầu thông qua quan sát giả mạc hoặc theo dõi các triệu chứng có thể không chính xác 100%. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi là bệnh bạch hầu hoặc có tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám, xét nghiệm từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác làm cơ sở cho việc điều trị bệnh được kịp thời và hiệu quả nhất, tránh tình trạng tự điều trị bệnh tại nhà dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Để phòng bệnh bạch hầu, người dân cần kết hợp nhiều biện pháp như: tiêm vắc-xin đầy đủ, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc họng bằng nước muối sinh lý, không tiếp xúc với người bệnh, nghi nhiễm, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, đeo khẩu trang…

                                                                                                Thành An