Lợi dụng cái gọi là dân chủ, nhân quyền và sự tán phát của mạng internet; trong dòng chảy “phản biện”, “phản bội” nhằm bác bỏ Hệ tư tưởng của Đảng trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội XII, có người viết: “Đối với nhân loại và dân tộc ta “Chủ nghĩa Mác - Lênin mang lại lợi ít, hại nhiều… Đa số dân Việt Nam có nhận thức nhầm lẫn về nó, cho rằng nhờ nó mà Việt Nam làm cách mạng thành công... Nếu vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác - Lênin thì sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc, không thể độc lập tự chủ…” (!). Và họ kêu gọi “Chấn hưng dân tộc và từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Chúng ta hãy thử xem lập luận và chứng cứ của họ có đúng không? Thiết nghĩ cần làm rõ những nhân tố nào đã tạo nên giá trị của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Chỉ cần người có đôi chút hiểu biết về lịch sử Việt Nam cận, hiện đại đều thấy: Ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được nước ta vào năm 1858, chúng đã chia cắt Việt Nam làm ba miền, cùng với Lào, Cam-pu-chia để dễ bề cai trị. Trước chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của chúng, nhân dân Việt Nam đã đứng lên với nhiều phong trào của các sĩ phu yêu nước ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, nhưng tất cả chỉ “thành nhân” chứ không thành công! Và chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo dân tộc theo tư tưởng chính trị của Lênin với chiến lược: Trong nước thì giáo dục và tập hợp tất cả mọi giai, tầng, chuẩn bị cho cuộc cách mạng lật đổ chế độ thống trị của đế quốc phong kiến; ngoài nước thì tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia, dân tộc, trong đó có các nước XHCN (lúc đó là Liên Xô, sau đó là Trung Quốc và nhiều nước khác) và các dân tộc yêu chuộng hòa bình khác thì mới giành lại được độc lập cho dân tộc.
Tiếp đó là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược - tất cả là nhờ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành quả chính trị cơ bản này có thể xem là “phần cứng” của lịch sử Việt Nam, không ai, cho dù là viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ gì gì đi nữa cũng không thể bẻ cong đi được.
Sau khi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta lựa chọn con đường đổi mới (không theo mô hình cải tổ của Liên Xô) xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH với “Nhà nước pháp quyền XHCN”, “kinh tế thị trường định hướng XHCN” và hội nhập quốc tế; đó còn là đường lối và chiến lược kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế, đồng thời củng cố và duy trì môi trường hòa bình trong khu vực để xây dựng đất nước. Thế nhưng những kẻ đã post bài lên mạng phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam đã đổi trắng thay đen, lập luận rằng: “Kinh tế chỉ phục hồi khi Đảng thực hiện đổi mới mà thực chất là làm ngược lại với Chủ nghĩa Mác - Lênin… Thế thì không thể nói nhờ Chủ nghĩa Mác - Lênin mà phát triển kinh tế”. Vậy là, khi để bác bỏ đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử thì họ họ nói Đảng ta “giáo điều” đi theo con đường cách mạng bạo lực của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi để bác bỏ thành quả của đổi mới thì họ lại nói Đảng Cộng sản Việt Nam: “làm ngược lại với Chủ nghĩa Mác - Lênin”! Thật là nguy biện và giáo điều đến trơ trẽn.
Không phủ nhận rằng lịch sử Cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không phải không có những sai lầm, khuyết điểm. Chẳng hạn như Cải cách ruộng đất giai đoạn 1954-1956, chính sách “Cải tạo tư sản” sau năm 1975… Những sai lầm này đã được Đảng ta công khai thừa nhận và nỗ lực khắc phục.
Phủ nhận cách mạng Việt Nam không phải là dễ! Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay lại càng không thể.
Những kẻ nào đó đang cố tình lãng quên lịch sử hãy nhớ: Cuộc cách mạng này đã phải trả bằng không biết bao nhiêu mô hôi, trí tuệ, xương máu của đồng bào và chiến sĩ ta. Đó còn là sự ủng hộ lớn lao của nhân dân thế giới. Như câu nói bất hủ của Chủ tịch Phi đen Cát-xtrô, câu nói tiêu biểu cho phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam: “Vì Việt Nam nhân dân Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Bắc Hà