Phạm Văn Phíp: Người làm cho đất nở hoa
Tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Phíp ở Khu 4, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng vào một chiều mùa đông nắng vàng rực rỡ. Mặc dù trong cái nắng hanh khiến nhiều người khó chịu, nhưng anh và những người thợ vẫn rất khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất để đón chuyến “mai vàng” từ miền Nam ra phục vụ bà con đón Tết.
Qua trò chuyện cùng anh, được biết: Khoảng 10 ngày nữa anh sẽ đưa trên 1.000 cây mai vàng từ trong An Nhơn - Bình Định ra ươm ủ. Nhưng cây mai vàng này rất “khó tính”. Bởi: Nếu gặp thời tiết nóng hoa sẽ nở rất nhanh và mau tàn, thời tiết lạnh quá thì sẽ không kịp nở vào dịp đón Xuân. Hơn thế nữa, thời tiết miền Bắc dịp này thường có sương muối, nếu hoa gặp sương muối thì sẽ rụng hết. Vì vậy, muốn cây mai phát triển bình thường, nở hoa đúng thời điểm ở ngoài Bắc thì cây phải được bảo quản, ươm trồng trong môi trường chủ động về nhiệt độ, tránh sương muối. Chính vì thế gia đình đã đầu tư làm khu lán tôn có mái lợp và tường tôn xốp cách nhiệt hai mặt cùng hệ thống điều hòa công nghiệp; sau đó áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại để giúp cây phát triển, ra hoa đúng thời điểm.
Anh Phạm Văn Phíp sinh ra trong gia đình nông dân nghèo; tuổi thơ của anh gắn liền với ruộng lúa, luống khoai cùng mẹ cha gắn bó ruộng đồng. Là người con trai trong gia đình, anh luôn trăn trở: Làm thế nào để kinh tế gia đình phát triển? Nếu vậy thì không thể chỉ trông chờ vào hai vụ lúa cấy. Năm 1987, anh bàn cùng gia đình mạnh dạn nhận với Đội sản xuất số 6 hơn 300m2 thùng vũng hoang hóa cuối mương nước, cải tạo để nhân giống cá bột rồi mở rộng thả cá và giữ nước phục vụ tưới khu đồng Man Dân. Vài năm sau, khu dân cư mặt đường 354 hình thành thì nguồn nước ao bị ô nhiễm nặng không thể nuôi thả cá được nữa. Trước tình hình này, năm 1995 anh làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm kho sản xuất - kinh doanh và đã được UBND thị trấn Tiên Lãng nhất trí phê duyệt. Nhưng vì vốn đầu tư cần lớn quá nên dự định chưa thực hiện được, từ đó anh chỉ để thả bèo chăn nuôi. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và chuyển đổi công việc để mưu sinh, đến nay vợ chồng anh đã có một cửa hàng sơn ở thị trấn Tiên Lãng. Nhưng nhìn lại đất đai hiện nay bị bỏ hoang nhiều, là người nông dân yêu quê hương nên anh Phíp thấy “tiếc đứt ruột”. Tiếc đấy nhưng không có nhiều tiền mua gom được đất đai để mở rộng sản xuất nên anh nghĩ: Thôi thì đầu tư, cải tạo khu đất mình đang có để làm kinh tế bằng số vốn nhỏ của gia đình trên tinh thần: Hưởng ứng Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp nông dân, nông thôn của T.Ư Đảng; đầu tư liên kết bảo tồn tiêu thụ sản phẩm nông sản kích thích sự phát triển nông nghiệp. Nhưng trồng cây gì để cho giá trị kinh tế cao thì anh đã phải bỏ ra mấy năm trời học hỏi, tìm tòi. Khi đã có kiến thức vững vàng anh mới dám mạnh dạn đầu tư vào cây mai cảnh phục vụ Tết Nguyên đán.
Làm việc vất vả nhưng trong ánh mắt Phạm Văn Phíp luôn lấp lánh niềm vui và tràn đầy hy vọng vì anh rất tự tin những kiến thức về cây mai anh đã học hỏi, tích lũy được trong suốt mấy năm qua. Anh nói: Bây giờ tôi có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khi muốn cho hoa mai nở vào ngày nào của năm. Anh cũng tin rằng anh sẽ thành công bởi vì mô hình này hiện nay chưa có nhiều người làm được, nhất là ở T.P Hải Phòng.
Cho đến giờ phút này, người nông dân Phạm Văn Phíp đã thành công trên một số lĩnh vực, nhưng với dự án “cây mai vàng” thì bây giờ anh mới bắt đầu. Tôi tin và chúc cho anh thành công với tâm huyết của người dân yêu quê hương, yêu ruộng đồng và luôn luôn tìm tòi “làm thế nào cho đất nở hoa”. Cũng như câu anh nói: Anh mãi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Trước mắt tôi đã hiện lên vườn mai vàng rực rỡ, điểm tô cho cả khu phố sáng bừng, ngọt ngào trong ánh nắng mùa xuân.
Bảo Ngọc