Phải nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo, gây rối ở Chứng tích Tam Tòa (06/08/2009)
Thời gian gần đây, những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo dân tại khuôn viên Chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông Tam Tòa ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Nhân dân, cả lương và giáo đều cho rằng, biện pháp giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng là rất cần thiết và đúng pháp luật.
Song, một số linh mục trong nước và trên mạng thông tin điện tử cũng như vài, ba đài, báo ở nước ngoài, tung ra các bài viết, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng quá khích. Họ cố tình hiểu sai bản chất, xuyên tạc sự thật; đưa ra những lời nói, câu chữ mang tính kích động, lừa mị giáo dân.
Nhìn lại thực chất vụ việc xảy ra ở khuôn viên Chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông Tam Tòa sẽ thấy ngay những hành động sai trái của một số giáo dân trên. Nhà thờ Tam Tòa ở TP Đồng Hới được Giáo hội Công giáo xây dựng năm 1886. Năm 1954, hầu hết giáo dân ở địa bàn Đồng Hới và các vùng phụ cận đã di cư vào Nam, chỉ còn lại rất ít giáo dân sinh hoạt tại gia. Ngày 12-2-1965, Nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập; phần còn lại là Tháp chuông với chi chít vết bom đạn Mỹ.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân lương và giáo, ngày 26-2-1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 143/QĐ-UB, công nhận tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh. Quyết định được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phù hợp với quy định Điều 28 của Luật Di sản Văn hóa và Luật Đất đai hiện hành; đúng với thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Để bảo vệ chứng tích chiến tranh, đồng thời tạo điều kiện cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, ngày 23-10-2008, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện Tòa giám mục Xã Đoài đã thống nhất cùng ký “Bản ghi nhớ”, trong đó nêu rõ: “UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục thống nhất: Khuôn viên của Nhà thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên cùng thống nhất, sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Như vậy, khuôn viên Chứng tích tội ác chiến tranh Tháp chuông Tam Tòa đã được xếp hạng di tích chiến tranh; chính quyền địa phương và Giáo hội có trách nhiệm tu bổ, bảo quản, không đặt ra vấn đề xây dựng Nhà thờ Tam Tòa trên nền đất cũ. Mặt khác, trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình luôn tôn trọng, tạo điều kiện để các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường; đã chấp thuận cho thành lập hàng chục giáo hạt và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho 78/84 cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với Giáo hội TP Đồng Hới, chính quyền địa phương cũng đã lần lượt giới thiệu 5 địa điểm trong vùng để giáo dân xây dựng nơi thờ tự, nhưng Tòa Giám mục Xã Đoài (Nghệ An) chưa chấp thuận.
Mặc dù có sự quan tâm của chính quyền nhưng thời gian qua, tại khu vực chứng tích, đã diễn ra nhiều cuộc lễ tôn giáo, không được chính quyền cho phép; đã vi phạm nghiêm trọng Điều 26 và Điều 27, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, không thực hiện nội dung “Bản ghi nhớ” giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục Xã Đoài.
Đáng nói hơn, vào lúc 3 giờ sáng ngày 20-7-2009, có sự chuẩn bị trước, khoảng 200 giáo dân, chủ yếu ở các huyện trong tỉnh Quảng Bình và số ít ở mấy tỉnh khác cùng TP Đồng Hới, ngang nhiên đưa gạch, xi măng, khung thép, mái tôn, dụng cụ cuốc, xẻng… dựng xong ngôi nhà có 4 vì kèo tại khuôn viên Chứng tích Tam Tòa, đồng thời chuẩn bị làm lễ khánh thành.
Hành vi trên không chỉ vi phạm cam kết trong “Bản ghi nhớ” ngày 23-10-2008 mà còn vi phạm an ninh, trật tự công cộng, vi phạm Luật Đất đai và vi phạm Điều 13 Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, trong đó có nội dung: Nghiêm cấm việc chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; nghiêm cấm xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa…
Đội dân phòng do hội viên CCB phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới đảm trách, tuần tra, phát hiện thấy việc làm sai trái trên, đã báo cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Hội CCB cơ sở tới khuyên giải, tuyên truyền, vận động, yêu cầu số giáo dân này dừng ngay việc làm trái phép. Song họ đã không chấp hành mà còn chống lại đông đảo nhân dân, trong đó CCB đến tháo dỡ căn nhà đã dựng. Một số đối tượng quá khích bị kích động, đã la hét, dùng gạch đá gậy gộc tấn công những người làm nhiệm vụ. Hai cảnh sát bị thương, phải đi điều trị.
Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, giải tán số giáo dân quá khích, ổn định được tình hình và Quyết định khởi tố bắt khẩn cấp 7 bị can về tội “Gây rắc tối trật tự công cộng” theo Điều 245, Bộ luật Hình sự.
Tại trại giam, Nguyễn Quang Trung, một trong bảy đối tượng gây rối bị bắt tạm giam, tỏ thái độ ân hận về việc làm của mình. Trung cho biết: Bản thân được lệnh cùng một số giáo dân đến tháp chuông Tam Tòa để dựng nhà, gây mất trật tự công cộng, làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ liền ở một số đường phố thuộc phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới. Do đó, việc công an Quảng Bình can thiệp là đúng, rất kịp thời. Trung khẳng định không có việc công an dùng vòi rồng, lựu đạn cay, đánh đập giáo dân và xin được Nhà nước, pháp luật khoan hồng.
Vậy mà, linh mục Phạm Đình Phùng, Chánh văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài lớn tiếng cho rằng, các giáo dân không vi phạm pháp luật; công an và cơ quan chức năng đàn áp giáo dân; đòi thả số đối tượng vi phạm pháp luật. Với hiện trạng này, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm và lời lẽ xuyên tạc xung quanh việc xảy ra ở khuôn viên Chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông Tam Tòa.
Những ngày vừa qua và hiện nay, dư luận trong đồng bào công giáo và nhân dân cả nước cùng địa phương rất bất bình về vụ việc cố tình gây rối trật tự công cộng ở khu Chứng tích. Linh mục Hồ Thái Bạch, quản xứ đạo Liên Hóa (Quảng Trạch); các ông: Nguyễn Hữu Tường, giáo xứ Tân Phong, Quảng Trạch; Nguyễn Viết Hiện, giáo dân xã Quảng Hải, Quảng Trạch; Lê Hoài Thanh, giáo dân xã Phúc Trạch, Bố Trạch; giáo dân Nguyễn Văn Kim, xã Sơn Trạch, Bố Trạch… đều cho rằng, việc làm của một số công dân theo đạo Thiên chúa tại khu Chứng tích là không đúng. Họ đã lợi dụng tự do tín ngưỡng để gây rối, làm mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật nên phải nghiêm trị. Bởi lẽ, số người này đã đi ngược lại lời răn của Chúa. Đã là người Công giáo, trước hết phải thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân, kính Chúa, yêu nước, đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo.
Chi Phan