Phải mất hơn 165 năm mới rà phá hết bom mìn ở Quảng Trị (27/02/2012)
Theo thống kê, Quảng Trị có 391.500/461.297 ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị là địa bàn chiến tranh ác liệt. Đến nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về bom mìn còn sót lại, song các chiến dịch, trận đánh lớn như Đường 9 - Khe Sanh, Thành Cổ, Làng Vây, Cồn Tiên, Dốc Miếu...Mỹ- ngụy đã dội xuống trên đất này một khối lượng bom đạn khổng lồ. Chỉ tính riêng dọc hai bên sông Bến Hải đã có hơn một triệu tấn bom đạn địch dội xuống; hay như ở thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã phải hứng chịu hàng trăm nghìn tấn bom đạn, tương đương với sức công phá của bảy quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Những tác động của bom mìn, vật nổ đến Quảng Trị hầu như toàn diện trên mọi lĩnh vực: phát triển kinh tế-xã hội, môi sinh môi trường, nguồn nước, sức khỏe và đặc biệt là số người chết, tàn tật do bom mìn, vật nổ gây ra lên đến hàng nghìn người. Trước thực trạng trên, năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài luôn nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn và thương vong gây ra bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, đã có 9.471 ha đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được rà phá, thu gom hơn 150 nghìn quả bom mìn và vật nổ. Trưởng Ban công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị Lê Mạnh Hùng cho biết: Những năm qua, Đội rà phá bom, mìn chuyên trách; Đại đội công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh; các đội xử lý bom, mìn, vật nổ tại các huyện, thị xã, thành phố, Đơn vị T42, Trường Quân sự tỉnh đã rà phá trên diện tích hơn 6.520 ha đất, thu gom và phá hủy 227.079 quả bom mìn và vật nổ các loại ở các địa phương giúp người dân canh tác, sản xuất trên vùng đất sạch bom mìn. Các lực lượng còn rà phá trên diện tích 1.569 ha đất của các dự án đầu tư xây dưng dựng đường giao thông, công tình thủy điện, nhà máy...thu gom và phá hủy 5.480 quả bom mìn và vật nổ các loại. Hiện nay, các lực lượng đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song, do số lượng bom, mìn, vật nổ còn sót lại lớn, phân bố trên diện tích rộng nên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã lập dự án thực hiện giai đoan 1 đến năm 2015 rà phá trên diện tích 14.800 ha, với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Khó khăn nhất trong công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nguồn kinh phí. Trang thiết bị, phương tiện rà phá, xử lý bom, mìn, vật nổ của các lực lượng còn thiếu và lạc hậu, rất cần được sự hỗ trợ, đầu tư mua sắm... Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, để rà phá hết diện tích bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh (diện tích hiện nay còn khoảng 385 nghìn ha đất bị ô nhiễm), bình quân mỗi năm rà khoảng 2.300 - 2.500 ha như hiện nay thì phải mất hơn 165 năm mới hoàn thành việc rà phá. Nếu tính bình quân một ha chi phí 30 triệu đồng cho công việc rà phá thì cần đầu tư 11.550 tỷ đồng. Theo chương trình 504 của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư đạt được theo mục tiêu của dự án đến năm 2015 sẽ rà phá tại sáu tỉnh miền trung khoảng 200 nghìn ha (mỗi năm rà phá 6.000 ha và kinh phí cho rà phá mỗi tỉnh khoảng 30 tỷ đồng/năm). Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị mong muốn Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, việc khắc phục hậu quả chiến tranh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều kinh phí và nỗ lực, vì vậy, Quảng Trị mong nuốn Trung ương và các tổ chức quốc tế thông qua hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo trên cơ sở những thành tựu đã đạt được tiếp tục kế thừa, phát triển và mở rộng dự án, góp phần giúp tỉnh Quảng Trị trả lại màu xanh cho những vùng đất 'chết'. Với sự đóng góp tích cực của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cùng các tổ chức nước ngoài, cuộc sống của người dân trên vùng đất Quảng Trị chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh và tai nạn bom mìn còn sót lại nay dần được hồi sinh. Những vùng đất được làm sạch bom mìn giúp cho cây trái tốt tươi, giúp người dân Quảng Trị từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Hải Linh