Phải kiểm soát chặt việc xây dựng, sửa chữa nhà (13/04/2011)
Trên phố Hoàng Ngọc Phách (Đống Đa) có hai ngôi số nhà liền kề 46 và 48 nhưng bị tách rời hẳn nhau nhiều năm nay. Tệ hại hơn, một số ngôi nhà liền kề nhà 48 cũng có dấu hiệu ảnh hưởng. Ban công một ngôi nhà bị võng hẳn xuống và xuất hiện những vết nứt nhỏ. Tại đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy cũng có hai ngôi nhà 5 tầng xuất hiện vết nứt khá lớn, gây nguy hiểm đến người dân. Điểm tiếp giáp giữa hai tòa nhà 5 tầng số 113 và 115 bị nứt khoảng 2cm chạy dọc giữa hai bờ tường. Hai ngôi nhà ngả lệch hẳn nhau về hai hướng. Trên phố Trần Quang Diệu (Đống Đa) cũng nhiều ngôi nhà có dấu hiệu lún nghiêng. Một số ngôi nhà tách khỏi toà nhà liền kề khoảng 30cm. Ngôi nhà 6 tầng tại ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh lúc nào cũng trong tình trạng đe dọa đổ sập sang phía đối diện…
Trước tình trạng nhà ở Thủ đô như vậy, chính quyền thành phố đã phải ra tay. Ngay khi nhận được thông tin sự cố nghiêng nhà số 11, ngõ 20, phố Huỳnh Thúc Kháng, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng liên quan thực hiện những biện pháp kịp thời đảm bảo an toàn cho các nhà bên. Chính quyền đã yêu cầu chủ quản lý sử dụng là ông Trịnh Công An thực hiện ngay việc di dời toàn bộ người và tài sản ra khỏi nhà; chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thực hiện quyền quản lý ngôi nhà; thực hiện gia cố tạm thời và ký hợp đồng với đơn vị đủ năng lực kiểm định và xử lý sự cố. Chủ quản lý sử dụng cũng phải thường xuyên báo cáo với chính quyền về kết quả thực hiện xử lý và chính quyền cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra kiểm soát gắt gao việc này. Hiện việc xử lý đang được Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam khắc phục. Công nghệ nâng thủy lực sẽ được công ty xử lý lún nghiêng Việt Nam áp dụng để khắc phục sự cố lún nền trước đó.
Từ hàng loạt những ngôi nhà nghiêng ngả, với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào cho thấy tình trạng xây dựng ở Thủ đô có những vấn đề bất cập.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo giới chuyên môn, hầu hết đều do xây dựng không thực hiện hết những nguyên tắc cơ bản như khảo sát địa chất nền, kết cấu nhà không đáp ứng được khả năng chịu lực và đặc biệt là tình trạng sửa chữa nhà cửa không theo quy tắc nào dẫn tới sự phá hoại kết cấu tòa nhà. Ví dụ ngôi nhà sập ở Huỳnh Thúc Kháng, có kết cấu làm khung cột, xây tường gạch con kiến vào giữa cột và dầm. Cột không to, tường chỉ dày khoảng 10 phân, khá mỏng manh. Nếu tường này chỉ chịu lực thẳng đứng thì có thể đứng được dù hệ số an toàn không cao, song không thể chịu được nếu có tác động ngang. Ngôi nhà 5 tầng sau khi bị phá các vách ngăn thì không còn khả năng chống đỡ theo chiều ngang. Khi có những tải trọng khác hoặc một nguyên nhân nào đó đã khiến nhà bị nghiêng, rồi đổ sập theo chiều ngang. Nguyên nhân dẫn đến sự cố nhà số 11 có thể là do ngôi nhà được xây trên nền đất yếu, bên cạnh đó một số công trình liền kề đang thi công xây dựng cũng gây rung chấn, ảnh hưởng nền móng của ngôi nhà này.
Rõ ràng “mất bò mới lo làm chuồng”, việc kiểm tra, kiểm soát việc xây dựng nhà mới, việc sửa chữa cải tạo nhà đang là vấn đề khẩn cấp. Đặc biệt, chính quyền phải quy định rõ việc cải tạo và sửa chữa nhà ở hiện cần thủ tục gì, cấp quận phải tập huấn cho cán bộ, cấp phường phải thường xuyên kiểm tra, không phải chỉ đợi dân đến trình báo. Và hơn hết, không nên buông trôi với phương châm “phạt cho tồn tại” lâu nay vẫn có, cần nghiêm túc xử lý với những chế tài đủ mạnh để chấm dứt tình trạng trên, đảm bảo sự an toàn cho người và tài sản.
Mai Anh