Phải bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế (29/10/2013)
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất. Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua, nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác. Pháp luật quy định người nước ngoài khai báo tạm trú tại cơ sở lưu trú nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong việc chuyển thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, các cơ quan chức năng chưa nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin tạm trú của người nước ngoài.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng vấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị-pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Do đó Dự án Luật được xây dựng cần phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.
Hoàng Linh(TH)