Phá rừng nguyên sinh là tự giết mình
Đồng bào DTTS xưa, do hạn hẹp về kiến thức, khi thấy cứ cánh rừng nào bị phá là y như năm sau lụt lội, nên gọi những cánh rừng đó là “rừng ma” để cảnh báo không ai được phá, “Giàng” sẽ phạt.
Rừng nguyên sinh là rừng có lịch sử lâu đời trong quá trình phát sinh chưa bị tác động của con người, rừng chứa đựng các hệ sinh thái căn bản cốt lõi lâu dài của hệ thực vật trên cạn, góp phần bảo tồn và duy trì cân bằng sinh thái lâu năm, giữ nước, điều hòa khí hậu, làm sạch không khí và được ví như tấm áo giáp thần kỳ mà “ông trời phú xuống” cho loài người để chống đỡ lại “thần nước, thần gió”...
Quý nhất của rừng nguyên sinh lại là thảm thực vật, nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ đủ trên tầng các lá cây rụng, thậm chí không ngấm được xuống đất. Còn khi mưa lớn đủ ngấm xuống đất, thì đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) giữ nước lại tới 80-90% và ngấm dần xuống đất tạo thành mạch nước ngầm có tác dụng giữ cho đất tơi xốp, điều tiết, giảm lũ lụt vào mùa mưa, tăng lượng nước sông, suối vào mùa khô, khắc phục lắng đọng lòng sông, hồ.
Nạn phá rừng ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), thì nước ta phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 85.000 ha (0,7% của độ che phủ đất)! Nhà thực vật học Francis Hallé cảnh báo nếu không có ngay những chính sách bảo vệ nghiêm ngăt thì rừng nguyên sinh trên thế giới sẽ bị biến mất vào khoảng những năm 2020.
Nước ta những năm gần đây, hiện tượng lũ ống, lũ quét mạnh, tràn đến cả những nơi được cho là cao, xưa nay chưa bao giờ bị, chính là do rừng nguyên sinh bị tàn phá, làm nước dồn về các khe, suối nhanh và mạnh hơn; các khe, suối bị đất, đá bồi lấp làm nâng độ cao dòng chảy và đổi hướng nhanh, bất ngờ.
Tại Hội thảo khoa học giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 9-7-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ rõ bốn khu vực hay xảy ra lũ quét là vùng rừng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhất là vùng núi phía Bắc, mưa được coi là yếu tố kích hoạt tự nhiên chủ yếu gây nên lũ quét, sạt lở đất, nhưng nguyên nhân sâu xa - nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người phá rừng đầu nguồn (rừng nguyên sinh) làm biến đổi điều kiện địa hình tự nhiên, thay đổi đặc tính của đất, làm xói mòn, sạt lở, lũ quét. GS Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam khẳng định: lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định, phá rừng nguyên sinh là tự giết mình.
PGS.TS. Nguyễn Đông Thức