Phá rào quốc lộ 5 làm đường ngang! (09/09/2011)

Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng có chiều dài xấp xỉ 100km đi qua các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, từ lâu nay vẫn được coi là một tuyến đường huyết mạch với lưu lượng hàng triệu phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày. Hiện trạng những đường ngang tự sinh do dân phá rào phân cách đang là vấn đề bức xúc, là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng. Theo thống kê của Trạm cảnh sát giao thông Ba Hàng, tỉnh Hải Dương thì trong năm 2010, trên tuyến đường này đã xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 35 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Phá rào làm đường ngang

Trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, xe chúng tôi đang bon bon trên tuyến quốc lộ 5, đột nhiên ngay trước mặt, một bóng người ló ra phía sau bụi cây trên làn phân cách, bác tài giật mình đạp phanh cháy đường. Rất may lúc đó là buổi trưa, đường vắng nên không có xe nào bám sát phía sau chứ nếu không chắc chắn đã có một vụ tai nạn xảy ra. Dải phân cách trên tuyến đường này hiện có rất nhiều đoạn bị người dân tự ý phá bỏ để làm lối đi riêng. Đếm sơ qua từ Hải Phòng về Hà Nội hàng chục điểm phân cách bị cắt phá như vậy.

Dừng xe nghỉ tại ngã ba Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân vẫn tự ý băng ngang qua dải phân cách để qua đường bất chấp những tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe đang lao trên đường. Trên đoạn đường dài chỉ có hơn 20m mà đã có tới 3 chỗ bị cắt phá dải phân cách làm lối đi, trong khi đó chỉ cách đấy có 50m, đã có một cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng hầu như không có ai sử dụng. Anh Sơn, một người lái xe ôm cho chúng tôi biết: “Ở khu vực này dân cư đông đúc, hơn nữa bên kia đường lại có bến xe buýt và xe khách từ Hà Nội về, mỗi lần xe trả khách thì luôn có tới cả chục người ào ào băng qua đường cùng một lúc. Tuy cầu vượt chỉ cách đó mấy chục mét nhưng hầu như chẳng có ai sử dụng vì họ ngại đi xa. Vả lại cầu xây cao quá, độ dốc lớn nên người dân không muốn đi và băng luôn qua đường cho tiện”.

Cần những giải pháp đồng bộ

Tuyến quốc lộ 5 chạy qua rất nhiều khu vực dân cư đông đúc, các khu công nghiệp, nhà máy khiến cho tình hình giao thông trên đường 5 trở nên lộn xộn và khó quản lý. Nếu đem so sánh với các tuyến quốc lộ khác thì số đường cắt ngang, các nút giao thông trên đường 5 quả thực là quá nhiều. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho các vụ tai nạn giao thông tại đây trở thành chuyện thường ngày. Đồng chí Đỗ Đình Thuận, công an thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Qua thống kê từ các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến quốc lộ 5 cho thấy, việc người dân tự ý băng qua dải phân cách là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Lực lượng công an đã tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát nên đã phần nào hạn chế được tình trạng lái xe quá tốc độ và các vi phạm trên tuyến đường này, vì vậy mà thời gian qua số lượng các vụ tai nạn đã giảm đi đáng kể. Tuy vậy, quốc lộ 5 chạy qua nhiều khu vực dân cư đông nên tình trạng người đi bộ băng qua dải phân cách vẫn còn khá phổ biến, nhiều nơi người dân còn tự ý phá rào sắt của dải phân cách làm đường đi. Công ty Quản lý đường bộ đã nhiều lần cho công nhân đi sửa chữa nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn”.

Cũng theo cơ quan công an thì sắp tới, trên toàn tuyến quốc lộ 5 sẽ triển khai thí điểm hệ thống camera giám sát, qua đó sẽ góp phần kiểm soát tốt hơn các vi phạm giao thông. Ngoài ra cũng cần phải xây dựng những chế tài xử phạt đủ mạnh, có tính răn đe cao để hạn chế tình trạng vi phạm tràn lan của người dân; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại cũng như sự nguy hiểm, từ đó tự có ý thức chấp hành Luật Giao thông. Việc xây dựng các cầu vượt dân sinh cũng là một giải pháp tích cực nhằm đảm bảo trật tự an toàn cho các nút giao thông. Tuy vậy, các cầu vượt cần được bố trí một cách hợp lý, khoa học, tạo điều kiện cho người dân sử dụng một cách thuận tiện nhất.

Sự phối hợp đồng bộ từ nhiều giải pháp tích cực hy vọng sẽ tạo được thói quen chấp hành luật giao thông cho người dân, qua đó vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như cho các phương tiện tham gia giao thông.

Bài và ảnh: ÁNH TUYẾT- HOÀNG LINH