PCI năm 2012: Nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế địa phương (28/03/2013)
Theo kết quả công bố, điều đáng mừng nhất là sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh Đồng Tháp và An Giang, khi mà vị trí số 1 thuộc về tỉnh Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai (tỉnh đứng đầu năm 2011). Phần lớn các tỉnh thuộc ĐBSCL đều ở vị trí đầu bảng. Long An và Bắc Ninh nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Bình Định và Vĩnh Long dù tụt hạng trong năm 2011 nhưng năm nay đã lấy lại được tốc độ. Trung tâm lớn là TP Hà Nội từ vị trí thứ 36 xuống 51, TP Hồ Chí Minh từ vị trí thứ 20 vươn lên thứ 13, Đà Nẵng thứ 12, Bình Dương thứ 19; tỉnh Cao Bằng thoát khỏi vị trí cuối bảng và thay vào đó là tỉnh Điện Biên. Khoảng cách giữa các tỉnh nhóm trên với nhóm dưới đang thu hẹp nhanh chóng do các tỉnh nhóm dưới đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, còn các tỉnh nhóm trên thì hết những cải cách dễ làm. Điểm nổi bật của PCI năm 2012 là các địa phương không có sự đột phá, sụt giảm chất lượng điều hành chung, các doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh giảm sút và tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh.
Theo đánh giá, chính quyền một số địa phương đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt nhũng nhiễu doanh nghiệp, giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như tham nhũng, cải thiện thiết chế hành chính bảo vệ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai… Hơn 8.000 doanh nghiệp trong nước và gần 2.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia điều tra PCI năm 2012 đều quan ngại về tình hình sản xuất kinh doanh. Điểm số PCI năm 2012 đã sụt giảm mạnh so với năm 2011, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm, thấp nhất trong suốt 8 lần điều tra chỉ số PCI. Điều chú ý là PCI năm 2012 không có địa phương nào đạt 65 điểm (dành cho tỉnh có điểm điều hành xuất sắc). Hiện tượng này lần đầu xảy ra với chỉ số PCI, xuất phát từ tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh. Trong số các tỉnh thuộc nhóm trung bình thì chỉ có gần 60% doanh nghiệp báo lãi, 21% báo lỗ; quy mô đầu tư và cả lao động của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ có 6,5% tăng quy mô đầu tư và số doanh nghiệp tuyển thêm lao động chỉ có 6,1%. Do phải chật vật để tồn tại nên các doanh nghiệp dễ cho rằng, nguyên nhân gây ra khó khăn là chính sách nhà nước khi mà việc tiếp cận thông tin, quy hoạch và tài liệu tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn và không công bằng.
Báo cáo PCI năm 2012 cũng chỉ ra một vấn đề thực tế là chuyện tham nhũng trong đấu thầu công lại gia tăng khá mạnh khi môi trường kinh doanh khó khăn của năm 2012 khiến nhiều doanh nghiệp phải chọn cách chạy bằng tiền; có 42% doanh nghiệp đã đưa “hoa hồng” cho các cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011, trong đó xu hướng chấp nhận trả hoa hồng nhiều nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa; doanh nghiệp tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng và mối quan hệ của doanh nghiệp, ngành nghề và mức độ tập trung. Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương là các lĩnh vực có sự sụt giảm điểm số lớn so với năm 2011. Về chi phí thời gian, phần đông các doanh nghiệp cho rằng, cải cách hành chính công trong lĩnh vực hậu đăng ký không có bước tiến triển mới, dù tỷ lệ doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 75% song số doanh nghiệp nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng là cao và rất cao ở mức 30% và 61% doanh nghiệp. Nhận định khả năng thu hồi đất ở mức trung bình, chỉ có 36% doanh nghiệp tin tưởng được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất (giảm 5% so với năm 2007); 23,7% tin tưởng có thể khiếu nại lên cấp trên. Sự lạc quan của doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, đặc biệt năm nay đã trượt từ mức 76% (năm 2006) xuống còn 33% ở cả khối doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước.
Thành Huyền