Ông vẫn là chiến sĩ
Năm 1990, Chi hội CCB được thành lập, ông là một trong những hội viên tích cực và gương mẫu. Được rèn luyện nhiều năm trong Quân đội, trong lòng ông luôn đậm đà tình đồng chí, đức hy sinh, tinh thần tận tụy vì nước, vì dân. Làng quê còn nghèo, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, ông mong muốn làm một việc gì đó để giúp dân làng. Ông nghĩ cái nghèo, cái khó có nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân quan trọng là do thiếu hiểu biết và kiến thức. Ông nhớ đến câu nói có thời đã trở thành khẩu hiệu “Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”. Thế là ông quyết định làm cái việc góp phần giúp người dân quê ông đánh cho được cái “chìa khoá văn hoá” ấy.
Cái văn hóa, cái sự hiểu biết ấy không ở đâu bằng trong sách báo, giúp dân nâng cao hiểu biết bằng cách đưa sách báo cho họ đọc, đó là cách mà ở tuổi hưu của ông có thể làm được. Đem ý tưởng ấy ra bàn bạc, rồi được sự ủng hộ của gia đình, bè bạn, của Hội CCB thôn, người lính già càng có thêm động lực và quyết tâm để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Để có vốn sách báo ban đầu, ông Thăng lặn lội đạp xe lên tỉnh, xuống huyện, lên T.Ư gõ cửa nhiều cơ quan xin sách báo, tạp chí cần thiết. Ông cũng góp nhặt những tấm gỗ ván cũ, xin một cây gỗ bị mưa làm đổ, thuê thợ đóng thành mấy bộ bàn ghế, vài cái giá sách chắc chắn và dăm khẩu hiệu treo tường... Ông còn động viên vợ con, dành toàn bộ vốn liếng tích cóp, sửa sang lại ngôi nhà của mình vừa để làm thư viện, tủ sách gia đình phục vụ bà con trong thôn, trong xã, vừa để làm nơi sinh hoạt của tổ chức, đoàn thể quần chúng địa phương như Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Chi hội CCB, HĐND, MTTQ thôn...
Ngày 19-12-1990, tủ sách gia đình ông Thăng ra mắt và đi vào hoạt động, phục vụ miễn phí bà con nhân dân. Tính đến đầu năm 2005, tủ sách của ông Thăng đã có khoảng 3.500 cuốn sách và hàng chục đầu báo, tạp chí các loại. Địa phương quan tâm cấp cho tủ sách một số loại báo, tạp chí như Báo CCB Việt Nam, Thông tin CCB, báo Đại đoàn kết, Thông tin nội bộ... Ông Thăng dùng dây thép căng thành từng hàng sát các bức tường nhà để treo các tập báo chí. Bàn ghế để ngồi đọc sách báo cũng là của ông, sau này các đoàn thể quần chúng địa phương có mua sắm bổ sung thêm một số ghế nhựa.
Có được tủ sách phục vụ nhân dân rồi, ông Thăng vẫn chưa thật yên tâm: Người dân ở nông thôn bận nhiều công việc, họ không thể có thời gian đọc nhiều sách báo. Phải làm sao giúp họ nắm được những kiến thức cần thiết nhất trong cái kho tri thức to lớn kia? Suy nghĩ, rồi hằng ngày ông cần mẫn đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình, ông cẩn thận ghi chép, tóm tắt các thông tin cần thiết thành các chuyên đề mà ông tiếp thu được vào cuốn sổ “Thông tin cần thiết” gồm một số vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về nông nghiệp, nông thôn; về đời sống văn hoá-xã hội; về những vấn đề quan trọng của tỉnh, huyện, xã, thôn; những vấn đề nóng bỏng thời sự quốc tế... để giới thiệu, tuyên truyền tới nhân dân địa phương. Với những thông tin ngắn gọn, súc tích, thiết thực, ông Thăng được các tổ chức, đoàn thể mời nói chuyện từ 15 đến 30 phút trước các buổi sinh hoạt (mỗi cuộc có từ 20 đến 100 người nghe). Đặc biệt người nghe rất thích thú vì thông tin ông cung cấp được kịp thời, chọn lọc, lại ngắn gọn, dể hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng.
Ban đầu, chỉ có nhân dân trong thôn, trong xã đến với “thư viện-tủ sách gia đình ông Thăng”, thế rồi “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, thiếu nhi các xã lân cận như Minh Hoàng, Tam Đa, Đình Cao, Tống Phan, Quang Hưng, Phan Sào Nam... cũng xin được làm bạn đọc của thư viện và mượn sách báo. Tủ sách của ông mở cửa phục vụ người đọc vào các ngày trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ): sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Muốn “thư viện nhỏ” của mình không nghèo nàn, ông Thăng thường xuyên liên hệ với các cơ quan ở T.Ư và địa phương, các đơn vị, cá nhân, trong ngoài tỉnh đề nghị hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ sách báo... Tính đến cuối năm 2014, thư viện có hơn 9.000 cuốn sách các loại (trong đó có nhiều cuốn có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, quân sự...), có hơn 60 loại báo, tạp chí T.Ư và địa phương (trong đó sách Thư viện tỉnh Hưng Yên luân chuyển gần 4.500 cuốn).
Tò mò muốn biết số độc giả của “tủ sách gia đình” đặc biệt này, ông Thăng vui vẻ cho chúng tôi xem hai cuốn sổ bìa cứng dày cộp, ghi họ tên, ngày tháng từng người mượn và người đọc. Trên hai cuốn sổ, các con số làm chúng tôi ngỡ ngàng và sửng sốt: Đến nay, tủ sách gia đình ông Thăng có trên 26.000 lượt người đến đọc và 17.000 lượt người đến mượn sách báo! Ông mừng và cảm động đến rơi nước mắt vì thành quả lao động của mình đã không uổng công, vô ích; mừng vì mỗi tờ báo, quyển sách của thư viện đã được nhiều người sử dụng, đồng nghĩa với việc tri thức được nhiều bạn đọc tiếp thu và vận dụng vào đời sống.
Năm 2017, ông Bùi Đình Thăng vừa tròn 86 tuổi. Ở tuổi bát thập cổ lai hy, nhưng hằng ngày bà con nhân dân vẫn thấy ông tự nguyện, cần mẫn phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí. Ông vẫn là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Với tấm lòng vàng của người CCB, ông mong muốn dành những năm tháng còn lại của đời mình đem những điều hiểu biết mà ông được Đảng dạy dỗ, đem những kiến thức từ trong sách, báo, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn hóa, văn minh.
Nguyễn Hữu Giới(Phó chủ tich Hội CCB Bộ VHTTDL)