Ông Thành giàu lên từ cây quýt

Ông Làn Mậu Thành chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế của gia đình.
Trong buổi tọa đàm “Chính sách dân tộc - Thành tựu và những vấn đề đặt ra” do Ủy ban Dân tộc tổ chức, ông đã chia sẻ về mô hình kinh tế của gia đình mình:

  • Quê hương tôi là một huyện nghèo, đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ, đồng bào tôi còn nhiều khó khăn lắm. Gia đình tôi có gần 10ha đất, trong đó 5ha là đất đồi, còn lại là đất dốc, núi đá, hiện nay tôi đã trồng 9ha cây quýt đang cho thu hoạch, dành 1ha để trồng cây lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trước đây, gia đình ông Thành thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Diện tích đất canh tác vừa ít lại ở đồi núi dốc, thường xuyên thiếu nước, tất cả chỉ nhờ trời cho gì ăn nấy.

Bằng ý chí và nghị lực, không khuất phục trước đói nghèo, được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nay gia đình ông Thành đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chia sẻ về con đường vươn lên thoát nghèo của gia đình, ông Thành nói:

  • Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 1999 gia đình tôi đã thử nghiệm trồng mía xương gà, nhưng mỗi năm trừ chi phí, tiền lãi chẳng là bao. Tôi nghĩ, trồng mía sẽ không được lâu dài vì thị trường tiêu thụ khó khăn, đất đai nhanh bạc màu nên tìm hiểu đến cây quýt”.

Ban đầu, do kinh nghiệm chăm sóc cây quýt còn ít nên cây phát triển kém, vụ đầu ông Thành thất thu. Không nản lòng, được sự động viên của gia đình cùng với ý chí vươn lên làm giàu, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư mua thêm đất, phân bón, tự ươm lấy cây giống, đặc biệt tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt. Đến 2007, thu hoạch lứa quýt đầu tiên, trừ chi phí gia đình ông thu được gần 50 triệu đồng/năm. Thời điểm này, gia đình ông là hộ đầu tiên trong vùng trồng quýt được nhiều người biết và đến mua cây giống. Từ 2008 đến nay, gia đình ông Thành trồng thêm 10.000 cây quýt cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài trồng cây quýt, gia đình ông Thành còn trồng thêm 10kg giống ngô lai để duy trì nuôi lợn, xuất bán 2-2,5 tấn lợn thịt/năm. Tổng thu nhập 2016 đạt 1,1 tỷ đồng. Nhờ mô hình kinh tế khá giả, gia đình ông đã trực tiếp giúp đỡ 20 hộ dân về giống, vốn, kỹ thuật và công lao động trị giá 15 triệu đồng trong việc trồng, chăm sóc cây quýt; tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Theo ông Thành, để xây dựng kinh tế hộ gia đình hiệu quả người nông dân cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; dám nghĩ, dám làm; cần cù, vượt qua các khó khăn; mạnh dạn đưa những cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với mảnh đất của địa phương mình để cho thu nhập cao nhất cho gia đình.

Với nhiều việc làm ý nghĩa, gia đình ông Thành được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vừa qua ông Thành lại được tuyên dương trong Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc 2017, nhận Huân chương Lao động Hạng 3 tại Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V.

Tâm An