Ông Ngọc không nản chí, quyết tâm cùng vợ con vào vùng đất cỏ cây ken dày, lác đác chỗ này trồng keo, nơi kia trồng bạch đàn để thực hiện ý định của mình. Tại đây, ông lần lượt mua lại gần chục héc-ta rừng để lập trang trại. Ông chặt hết cây keo và bạch đàn rồi vay thêm tiền triển khai mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Phục vụ cho chăn nuôi, ông trồng sắn, ngô, khoai, mỗi năm thu hoạch 6-7 tấn làm thức ăn cho đàn lợn rừng từ 250-300 con, trong đó có 30 lợn nái. Ngoài lợn, ông còn nuôi nhím. Tích góp được vốn, ông đầu tư 850 triệu đồng mua 20 con hươu, 10 con nai lấy nhung. Tạo nguồn thức ăn cho hươu nai, ông trồng cỏ voi với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm.
Cùng với chăn nuôi, ông Ngọc thuê san gạt trên 3ha rừng đặt 3.500 cột trụ bê tông ươm 14 nghìn cây thanh long ruột đỏ, triển khai khu ao nuôi 1.000 con ba ba. Ông Ngọc còn đầu tư 200 triệu đồng tạo ra hệ thống dẫn nước ngầm tưới tiêu thanh long, tạo hàng chục việc làm cho các CCB và con em; tham gia tích cực các công tác xã hội và từ thiện, được các cấp chính quyền và người dân địa phương tin cậy.
Với nỗ lực vượt khó vươn lên, ông Ngọc đã tạo lập được một trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt trồng rừng có hiệu quả, trừ chi phí, hằng năm thu lãi 300 triệu đồng. Kết quả đó cũng là lời giải thích vì sao CCB Đoàn Quang Ngọc lại bỏ phố vào rừng lập trang trại phát triển kinh tế gia đình.
Bài và ảnh:
Đinh Quang Huy