Ông giáo Nhượng đang dạy giỗ các cháu học sinh tại nhà riêng

  Đó là tên gọi trìu mến của người dân phố núi huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh dành cho Đại tá, Cựu  Chiến binh Phan Chí Nhượng, người lính một thời mang quân hàm xanh, khi về nghỉ hưu lại đau đáu với công việc " gõ đầu trẻ ". Cơ duyên để ông đến với công việc này là vì tương lai con cháu và niềm đam mê nghề giáo vẫn còn lắng đọng trong ông.

                          15 năm ấy biết bao nhiêu tình

    Ông Phan Chí Nhượng sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Năm 1959, lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay), đây cũng là lớp lính đầu tiên ở Hà Tĩnh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông đã từng đảm nhận nhiều công việc khác nhau, huấn luyện, chiến đấu, tiểu phỉ bảo vệ biên cương. Khi đất nước hòa bình, ông được đào tạo trở thành giảng viên, Trưởng khoa Biên phòng thuộc Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Đến năm 1995, ông về nghỉ hưu theo chế độ và chọn xã miền núi Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) là mảnh đất để gắn bó tuổi già.

    Thời gian đầu về nghỉ hưu, ông cùng vợ lo công việc đồng áng, đêm đến dành thời gian chỉ bảo cho con và các cháu quanh xóm học bài. Nhiều đêm tắt đèn đi ngủ, nhưng ông vẫn trằn trọc, suy tư,

giá như mở được một lớp học bồi dưỡng thêm kiến thức cho các cháu ngay tại nhà mình. Thương con cháu là vậy nhưng ngặt nỗi gia đình còn khó khăn, nhất là căn nhà còn chật chội, không có chổ để các cháu ngồi học. Mãi đến năm 2003, ông mới cải tạo được căn nhà gỗ, có chỗ để mở lớp học sinh đầu tiên có 20 em, em lớn nhất mới học lớp 7, 6 em có hoàn cảnh khó khăn được ông nhận về nhà nuôi dưỡng; thế rồi không phụ công ông giáo Nhượng, cả 6 em đều đậu vào đại học và ra trường đều có công việc ổn định.

              Dạy các cháu từ tác phong, lễ tiết.

     Ở tuổi ngoài 80 nhưng ông Nhượng vẫn duy trì giờ giấc, tác phong sinh hoạt của một quân nhân, lấy đó làm gương để rèn luyện, giáo dục học trò. Đúng 5 giờ, căn nhà ông giáo Nhượng đã sáng đèn, tất cả các cô cậu học trò từ bé đến lớn nhanh chóng thức dậy ra khỏi giường, ngồi vào bàn ôn bài trước khi lên lớp. Đến 6 giờ, gấp sách vở ra khoảng sân trước nhà để kéo xà đơn, nhảy dây. Sau đó, các bạn nam chia nhau quét dọn nhà cửa, sân vườn, rửa cốc chén; các bạn nữ vào bếp cùng bà Nhuần vợ ông chuẩn bị bữa sáng cho mọi người. Đúng 6 giờ 30 phút, các cô cậu học trò đều đã quần áo, sách vở gọn gàng, lễ phép chào ông bà để đến lớp học ở trường. Đây cũng là thời điểm thảnh thơi nhất trong ngày của đôi vợ chồng già, cùng bà con lối xóm bên bát nước chè xanh, bàn chuyện làm ăn, nuôi gà, trồng rau…

Buổi chiều, đúng 14 giờ, căn nhà của ông lại nhộn nhịp hẳn lên, những em học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 8… đến để học bài theo chương trình riêng của ông giáo đề ra. Chỉ trong ít phút, tất cả đều trật tự ngồi vào những vị trí vốn đã quen thuộc. Còn buổi tối, học sinh THPT học bài đến 22 giờ 30 phút, các em THCS là 21 giờ 30 phút nhưng sáng hôm sau đều phải dậy đúng 5 giờ để ôn bài, tập thể dục. Theo ông Nhượng, kiến thức là rất quan trọng nhưng tập cho các cháu có tác phong, kỷ luật nề nếp ngay từ đầu là rất cần thiết.

           Tự tích lũy kiến thức bằng cách học hỏi.

" Ông giáo Nhượng " nhận dạy 3 môn Toán, Lý, Hóa cho khoảng 20 học sinh, từ lớp 4 đến 12. Các em tới đây thuộc ba trường hợp: học sinh cá biệt, học sinh giỏi và ôn thi đại học. Tất cả phải cam kết chịu được sức ép, không dùng điện thoại, máy tính, không tụ tập bạn bè. Ông giáo Nhượng đam mê đặc biệt với môn tự nhiên, nhưng do kiến thức lâu ngày bị mai một, sách giáo khoa có thay đổi nên ông tự tìm sách vở ôn lại, bài nào khó quá thì gặp các thầy giáo dạy THPT nhờ chỉ bảo. Ông cũng liên hệ với lãnh đạo trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn Vũ Quang, đều đặn lên các khối lớp học xin dự giờ để học hỏi. Nhớ lại hơn 10 năm trước, ngày đầu tiên lên trường xin dự giờ, cả trường ngạc nhiên và xôn xao khi nhìn thấy một ông già tóc bạc phơ, nhưng khi hiểu ra thì cả trường tỏ vẻ thích thú và học tập nghiêm túc.

“Từ khi dạy học tới nay đã hơn 15 năm, ông Nhượng không hề lấy tiền công, nhiều học sinh được ông nuôi ăn ở trong nhà. Vợ ông phụ trách việc nấu nướng, kinh phí trích từ lương hưu của ông bà. Chúng tôi có đề cập tới học phí, song ông bà gạt phăng. Biết vậy nên khi mùa màng về, có người đưa gạo, ngô, khoai... tới biếu. Thấy con cái được ông bà chỉ bảo tận tình, ngày càng tiến bộ những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi không biết lấy gì để báo đáp tấm chân tình đó.", một phụ huynh có con theo học ở đây chia sẽ.

      Hiện nay, lớp học có 18 em từ lớp 3 đến lớp 12, trong đó 5 em được nuôi ăn ở miễn phí tại nhà ông. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 6 em lớp 12 đạt kết quả cao. Trong đó, em Nguyễn Quang Sang là học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Vũ Quang, từng đạt giải Nhì môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sang được ông giáo Nhượng nhận về nuôi từ khi học lớp 5 cho đến bây giờ. Niềm vui của ông giáo được nhân đôi khi Sang nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Quân y với số điểm 29.

Được nuôi dưỡng và trưởng thành từ đôi bàn tay ấy còn có Thiếu úy Nguyễn Văn Quý, nhân viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; Thiếu úy Nguyễn Ngọc Thái, Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu Cần, Sư đoàn 370; Trần Tuấn, Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và Kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải)…

Không những tổ chức cho các cháu học tập, Đại tá Phan Chí Nhượng còn tham gia công tác Hội Cựu Chiến binh nhiều năm liền. Từ năm 2007 - 2012 ông là Chủ tịch Hội CCB huyện Vũ Quang.

Chia tay chúng tôi, ông giáo Nhượng không giấu nổi nét suy tư và trăn trở: “ Năm nay tôi đã già, chỉ mong trời cho sức khỏe, trí tuệ minh mẫn để tiếp tục định hướng và bảo ban các cháu. Mình có kiến thức nền nhưng chương trình học của các cháu luôn đổi mới nên cần phải thường xuyên tiếp cận để tìm ra phương pháp chỉ dạy cho các cháu một cách phù hợp, hiệu quả...".

Anh Thi – Lệ Quyên