Ổn định tăng trưởng kinh tế 8 tháng
Kết quả đạt được và những khó khăn về KTXH
Thời gian qua, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta như giá dầu giảm sâu, việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và một số đồng tiền khác, thị trường chứng khoán thế giới có nhiều chao đảo bất thường… Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 giảm 0,07%. Tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 20-8 đã tăng 9,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 106 tỷ USD, tăng 9%. Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 13 tỷ USD, tăng hơn 30%, vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển tích cực, khu vực công nghiệp tăng mạnh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10% cho thấy sức mua tiếp tục hồi phục. Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm và đạt nhiều kết quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 được tổ chức tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một số khó khăn thách thức như giá dầu thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, trong tháng 8-2015 đã có những thời điểm xuống dưới 40 USD/thùng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, cán cân thương mại, việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm, thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt được một số kết quả nhưng chưa như mong muốn. Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Giá nông sản trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng giảm, làm cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta cũng giảm theo. Về vấn đề dự báo kinh tế Trung Quốc và có điều chỉnh chỉ tiêu phát triển KTXH đất nước năm 2015, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, mặc dù đã rất thận trọng nhưng Chính phủ cũng chưa lường hết được những diễn biến bất thường của nền kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay, nhất là việc phá giá đồng nhân dân tệ và mức giảm giá dầu thế giới. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, Chính phủ tin tưởng có thể phấn đấu hoàn thành 14 chỉ tiêu KTXH năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội, khả năng tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 trên 6% là có thể đạt được.
Nhiệm vụ những tháng cuối năm
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển KTXH đất nước trong năm 2015, công việc rất lớn nhưng thời gian còn lại chỉ còn 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời không để mức lạm phát quá thấp mà phải chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để phối hợp thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm nguồn thu ngân sách. Phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế…
Về giáo dục, Thủ tướng cho rằng việc, việc đổi mới thi cử, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 và xét tuyển đại học, cao đẳng bước đầu đạt yêu cầu, hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Bộ GDĐT khi nhận trách nhiệm về một số bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm cho đợt 2 xét tuyển đại học, cao đẳng; đồng thời Thủ tướng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn bộ kỳ thi năm nay để các năm sau làm tốt hơn.
Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều thống nhất giảm tối đa số lượng chương trình theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ, thu gọn từ 61 chương trình xuống còn 21 chương trình. Về tăng trưởng kinh tế năm 2016, Chính phủ dự kiến sẽ đạt mức 6,7%.
Thanh Huyền