OECD: Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục (16/05/2013)
Các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đều đi theo xu hướng này, duy chỉ có Ấn Độ là có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn.
Với khối 17 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD nhận định các chỉ số tổng hợp hàng đầu (CLI) của khối này cho thấy đã "có đà nhích lên" mặc dù chưa có thêm dự báo mới nào về nhịp độ tăng trưởng tại khu vực đó.
Về Nhật Bản, OECD cho hay, các chỉ số hàng đầu đang chỉ ra rằng tăng trưởng của "xứ sở hoa anh đào" có thể mạnh hơn xu hướng chung, trong khi Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sẽ trở lại nhịp độ tăng trưởng của họ. Tương tự tại Italy - nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, dữ liệu về CLI cũng cho thấy sự thay đổi tích cực về đà tăng trưởng.
Riêng về Bồ Đào Nha, báo cáo của OECD cho biết, bất chấp những khó khăn do khủng hoảng, Bồ Đào Nha hiện đang đối mặt với một cơ hội có một không hai để hiện đại hóa nền kinh tế của họ, sau khi đã từng là một trong những nền kinh tế bị suy giảm và mất cân bằng trầm trọng nhất trong khối OECD kể từ năm 2009. Kinh tế Bồ Đào Nha đã suy giảm 3,2% trong năm 2012 và dự kiến tiếp tục suy giảm 2,3% năm nay.
Cũng theo báo cáo của OECD, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời làm dấy lên nguy cơ ngày càng lớn rằng các nước dễ bị tổn thương nhất vẫn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo OECD, bất bình đẳng về thu nhập trong giai đoạn ba năm, từ 2008-2010, đã tăng mạnh hơn trong giai đoạn 12 năm trước đó đối với toàn bộ 34 quốc gia thành viên của khối.
Trong năm 2010, 10% những người giàu nhất ở các nước thuộc OECD có thu nhập (sau khi đã trừ thuế) cao hơn gấp 9,5 lần thu nhập của 10% những người nghèo nhất, trong khi con số này vào năm 2007 chỉ là gấp 9 lần.
Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn nhất là ở các nước Chile, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Israel, trong khi thấp nhất là ở Iceland, Slovenia, Na Uy và Đan Mạch./.
Theo Vietnam+