Ở nơi tận cùng thiếu thốn và khắc nghiệt vẫn có các chiến sĩ biên phòng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ quét.
“Nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt” thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung. Mặc dù chỉ cách Lào Cai 60km, nhưng đường đi cực kì hiểm trở, không có tuyến xe ô tô chở khách lên đó, nên chúng tôi bắt xe ôm.

Cánh lái xe bảo họ chưa từng lên A Mú Sung và lẳng lặng rút lui. Chúng tôi “động viên” mãi mới có hai bác nhận lời. Đường hẹp, nhiều khúc cua bất ngờ, lại toàn đá lổn nhổn và bụi đất mờ mịt. Nhìn sang bên kia sông, Trung Quốc chỉ gần như một cái với tay.

Đi mới được khoảng 40km, chúng tôi đã không thể xác định được phương hướng. Hai bác lái xe bắt đầu nản chí định bỏ cuộc, nhưng chắc thương tình, họ đồng ý đưa chúng tôi đến Đồn Biên Phòng A Mú Sung nằm ngay trên đường đi, cách Lũng Pô 6km.

Bữa cơm trưa giản dị biến khoảng cách giữa chúng tôi từ xa lạ thành thân quen. Phó Đồn trưởng Đinh Văn Lào bảo A Mú Sung nghĩa là cây sung mục, nhưng nó được đọc chệch thành A Mờ Sương vì nơi đây vào mùa lạnh luôn mờ mịt sương. “Nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt” mà chúng tôi muốn đến nằm ở thôn Lũng Pô cách đơn vị anh 6km. Sau bữa cơm trưa, đích thân anh và một chiến sĩ nữa đưa chúng tôi đi.

Giây phút nhìn tận mắt cuộc sống của đồng bào khiến chúng tôi rưng rưng muốn khóc. Trên một dòng chảy, con sông Hồng cuộn đỏ nép mình, nhường chỗ cho một bên là dòng suối Lũng Pô với màu nước xanh lam hiền hòa. Hai nửa dòng chảy với hai màu nước cứ tiếp tục song hành và miên man mãi cho đến khi nhẹ nhàng xen lẫn, hòa quyện vào nhau. Người dân ở đây nói rằng đó có thể là sự kết hợp hài hòa của tên gọi Lũng Pô (tức sông Bố”) và sông Hồng (tức sông Mẹ) trên dòng chảy này?Đồn BP A Mú Sung kịp thời hỗ trợ gạo, mì tôm cho người dân.

Theo trung úy Bùi Thanh Tuấn, trạm biên phòng Lũng Pô, vào mùa lũ, nước dâng lên vài chục mét, tới tận chân cột mốc 92 phân chia biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng dù nước có dâng tới đâu, nơi đây vẫn giữ được vẻ hiền hòa vốn có của nó như chính mảnh đất lành này đã là nơi nên vợ nên chồng của biết bao chiến sĩ biên phòng và cô giáo bản.

Anh đưa chúng tôi đến thăm nhà của Trạm trưởng Trần Văn Duẩn và cô giáo Nguyễn Thị Chi, cuộc sống đơn sơ, thậm chí là thiếu thốn vật chất, nhưng thật hạnh phúc.

Nơi đây 3 tháng không nhìn thấy mặt trời, ngày cũng như đêm, ăn sương, uống sương, ngủ trong sương, hít thở cũng trong sương. Đứng cách nhau một sải tay đã không nhìn rõ mặt, rõ người. Sương lạnh đến nỗi, mọi thứ đều đóng băng. Nước đóng băng, muốn uống phải bỏ vào bếp đun lên. Cây, cỏ ở đây cũng trơ trụi vì sương đóng băng, đá quá nặng làm gẫy cành. Vậy mà đó lại chính là nơi sinh sống của đồng bào người Mông từ nhiều đời nay.

Trò chuyện với các chiến sĩ biên phòng mới thấu hiểu những khó khăn của họ cũng như của bà con nơi đây. Thời tiết khắc nghiệt, bão lũ liên tiếp. Không ít lần, bộ đội biên phòng phải bám tay nhau thành dây để vào cứu dân. Cơn lũ gần đây nhất, các anh đã đưa toàn bộ dân bản vào điểm an toàn và cứu được cả một gia đình gồm 6 người suýt chết trong lũ. Bên cạnh đó, các anh còn thường xuyên xuống tận thôn bản giúp bà con dựng nhà, ổn định chỗ ở, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cách thức sản xuất, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận những giống cây trồng mới, thích hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây.

Chính nhờ những nỗ lực đó của các anh mà đời sống của bà con đã khấm khá hơn trước rất nhiều và lại càng tin tưởng vào chính quyền cũng như các chiến sĩ biên phòng nơi đây.

Ở lại đây hai ngày, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chúng tôi kịp cảm nhận cái buốt lạnh cắt da cắt thịt của khí hậu rừng núi nhưng cũng ngập tràn trong sự nồng ấm của tình người.

Lê Na