Ô nhiễm môi trường ở Đông Mai

Câu chuyện ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là với các cháu thiếu nhi đang được dư luận quan tâm hiện nay thực ra là hậu quả tất yếu từ sự phát triển kinh tế thiếu kiểm soát nhiều năm qua tại các làng nghề trong cả nước. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước của Bộ TNMT thực hiện được công bố mới đây cho thấy, có đến 46% số làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% số làng nghề bị ô nhiễm vừa. Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải rắn, tiếng ồn… Đáng chú ý, tại các làng nghề sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, điếc, ung thư thường cao hơn các khu vực không có làng nghề.
Được biết, gần 3.000 người dân tại 4 thôn Nghĩa Lộ, Trịnh Xá, Cát Lư và Đông Mai ở xã Chỉ Đạo cũng như người dân nhiều xã khác trong huyện Văn Lâm trước đây làm kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Từ sự chủ động, sáng tạo trong quá trình đi làm thuê ở nơi khác, một vài người dân thôn Đông Mai đã đem về quê nghề thu mua ắc quy hỏng và phá dỡ lấy chì, nấu bằng phương pháp thủ công, đúc thành thỏi và đem bán lại cho các cơ sở mạ kẽm, sản xuất ắc quy tại nhiều địa phương khác, cho thu nhập cao hơn nhiều lần công việc trồng lúa. Lúc đầu chỉ có một hai hộ làm, sau thấy có thu nhập cao nên các gia đình khác trong thôn đã bảo nhau cùng phát triển, lúc cao điểm có đến gần 200 hộ, thu mua các loại ắc quy cũ hỏng đem phá dỡ và nấu đúc thỏi với sản lượng hàng nghìn tấn/năm. Nhiều hộ dân trong thôn Đông Mai có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trở nên khá giả, có của ăn của để, trong đó có nhiều chủ hộ là CCB.
Không chỉ ở thôn Đông Mai, tại ba thôn còn lại của xã Chỉ Đạo là Nghĩa Lộ, Trịnh Xá, Cát Lư cũng có một số người “làm chì”. Bãi nguyên liệu ở ngay trong khu dân cư, nơi đập phá ắc quy cũng ở trong khu dân cư, lò nấu chì chung tường với nhà ở có ống khói cao hơn 10m mỗi đêm nấu gần 5 tấn chì nguyên liệu, khói bụi chì thoát ra từ đây lại rơi ngay vào vườn, vào nhà hàng xóm; các rãnh nước trong thôn đen sì, những giếng nước, ao làng bị ngấm chất chì độc hại nhưng người dân vẫn phải sử dụng hằng ngày…
Nghề tái chế chì theo phương pháp thủ công đã gây ra những hệ lụy tiêu cực; người dân làm nghề thì chỉ trang bị cho mình đôi găng tay, chiếc khẩu trang thì không thể nào chống chọi được với các chất độc hại từ ngày này qua tháng khác. Chưa kể đến người lớn, người già, kết quả nghiên cứu thực trạng môi trường và sức khỏe học sinh tiểu học, mẫu giáo ở xã Chỉ Đạo, trong đó có thôn Đông Mai của Bộ Y tế cho thấy, qua xét nghiệm sàng lọc 266 em trong đó có 105 em có nồng độ chì trong máu từ 45microgam/g/dl trở lên, rất nhiều trẻ em bị phơi nhiễm chì, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hiện tại cũng như tương lai của các cháu.
Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, gây hậu quả xấu đến sức khỏe người dân, trong đó có các trẻ em, nhiều cơ quan chức năng ở T.Ư cũng như ở tỉnh Hưng Yên đã tích cực vào cuộc. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hưng Yên và Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành khám, xét nghiệm máu cho hơn 500 người dân trong thôn và đang tiến hành giải độc cho 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao và kiểm tra 27 trẻ thiếu máu chưa rõ nguyên nhân để có các biện pháp hỗ trợ, điều trị thải độc chì cho trẻ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế tiếp xúc nguồn chì. UBND tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch và triển khai xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tại xã Chỉ Đạo với quy mô 21ha để đưa toàn bộ số hộ làm nghề sản xuất, tái chế chì ra hoạt động tại đây và dự định hoàn thành công việc này ngay trong năm 2015 này, cùng với đó là các Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất, đưa nguồn nước máy đến khu vực…
Hi vọng, với sự ra tay triệt để và đồng bộ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường do chì ở làng Đông Mai sẽ dần được cải thiện, đảm bảo môi trường và giữ gìn được sức khỏe người dân, nhất là với các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, để đạt được mục đích ấy, sự phối hợp tự nguyện của chính người dân nơi đây là yếu tố quyết định sự thành bại, công tác tuyên truyền, vận động người dân cần được thực hiện sâu rộng hơn để mỗi người dân nắm được bản chất sự việc và làm theo, nhanh chóng di dời nơi tái chế chì, tiến dần đến hạn chế và bỏ hẳn công việc nguy hại này để bảo vệ chính mình, chuyển sang ngành nghề khác an toàn hơn.
Bài và ảnh: Quốc Huy