Ở làng tôi viết (27/07/2011)
Ở làng thật lắm chuyện. Một con rắn mớt lột, bò về đống gạch ở vườn đình… thế là thành “rắn thần”, nhiều người tế lễ. Một ông CCB đấu tranh đấu tham nhũng, ngất xỉu trên hội trường ủy ban. Một anh công dân cù mì, nghĩ ra cái cạm bẫy chuột, diệt một đêm mấy chục con, được Phó thủ tướng khen thưởng… Một bà mẹ hiến cả mấy sào đất nhà mình xây trường học. Một con bò sinh ba… Viết, lúc đầu là hứng thú, sau thành nhu cầu, và thành trách nhiệm. Người làng rất quý trọng và tin tưởng ở các nhà báo; coi họ như những chiến sĩ của lẽ phải, thấy nghĩa thì làm. Nhưng mấy anh nhà báo ít về quê quá, cho nên nhà tôi thành chỗ giao lưu tin tức với lắm chuyện vui buồn. Đến nỗi, có người ác ý bảo nhà tôi thành “tụ điểm”; khi bốc lên đe rằng “phải trục xuất mụ ấy ra khỏi làng” (?). Bác tôi bảo:
- Làng đầy những việc bức xúc cần làm ngay, mà cháu thì cứ đi viết ở đẩu ở đâu?
Mà “viết ở đâu”, nào có khác gì? Cái lần tôi sang xã V, viết bài về cán bộ lén đưa “vợ người ta” đi “tắm biển”, liền bị hỏi thẻ nhà báo, suýt nữa thì bị một đêm muỗi cắn. Lại cái bài “Cánh đồng 50 triệu”, cũng bị nhiều người kê kích là nói lấp lửng, hai mặt. Tôi giật mình vì đã quên mất cụm từ “một ha/một năm”. Có một “ông doanh nghiệp” mang cho tôi gói quà, liền bị người làng bảo: “Đã viết để ăn… phong bì là hỏng rồi”(!). Dân làng bây giờ không còn người đói cơm mà chỉ đói báo chí. Vớ được tờ nào thay nhau đọc. Vì vậy, người viết bài phải dè chừng cái chuyện phe cánh này lợi dụng bài báo, phô tô hàng mấy mấy chục bản để “đả” lại phái kia. Ở làng tôi, một khi ai đó đã được “lên báo” là việc vô cùng hệ trọng, nếu “gương trong” thì “ngẩng mặt mấy đời”, nếu “gương mờ” coi như… đứt hẳn, chứ không có chuyện “bài lờ” như ở đâu. Vì vậy, thấy một chuyện gì to nhỏ vui buồn đều đi gọi người “viết bài”. Với tôi, người quý cũng nhiều, kẻ ghét cũng lắm. Có lần vì một bài viết, có anh giấu mặt, cho đầu gấu nhổ mất mấy mét lúa non, sau được chính quyền điều tra, bắt đến xin lỗi. Bác tôi lại động viên: “Kệ! Giàu sang cũng chẳng bằng chữ nghĩa để chuyện cho đời. Cứ viết”. Viết với nỗi vui buồn của người “cầm bút nghiệp dư”. Một niềm vui khó tả là chúng tôi đã góp bài cho trang văn nghệ, làm cho tờ báo thêm vui tươi, hấp dẫn. Những người biên tập đã sửa bài, đặt “tít”, làm cho chúng tôi cảm phục. Dạo ấy, tôi gửi bài “Thủ kho đốt nhà để phi tang” liền được sửa thành “Cháy nhà mới ra mặt… thủ kho”. Đôi khi tôi còn được thiếp chúc mừng, tặng phẩm của các báo gửi cho; thi thoảng lại được đi Hà Nội họp. Chuyện này thì dân làng cảm phục lắm! Và khi lĩnh nhuận bút, nhận cả được những lời chân thành của người gửi: “Kính gửi “bà”… số tiền nhuận bút… Kính chúc “bà”… Mong “bà” tích cực cộng tác”. Người ta gọi đó là “văn hóa nhuận bút”; lời nói gói vàng, quý hóa lắm thay. Tuy nhiên, cũng có những bác “Tổng biên” quên nhắc nhở cô “thủ quỹ”, đã không gửi báo lại chẳng gửi “nhuận” làm cho cộng tác viên phải “ra ngõ mà trông”(!).
Vâng, chúng tôi vẫn viết. Ngày ngày đạp xe đi, đêm về lại chong đèn. Và chiều chiều đón anh bưu tá đến nhà, mỉm cười, đưa cho một tờ báo. Tôi mở ra, run run, chưa kịp đọc dòng nào đã thấy trái tim đập rộn ràng những tiếng yêu thương, những dòng mơ ước của dân làng; những tiếng biết “hát lên và nổ ra” như nhà văn Mác-xim Goóc-ky đã nói.
Vũ Thị