Ở hướng tiến công phía Bắc
Bộ đội Trung đoàn 48 làm chủ căn cứ Thuần Mẫn ngày 8-3-1975. Ảnh: TL
Nhắc đến Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, người ta thường nhớ ngay tới đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột. Nhưng để có được chiến thắng “vượt tầm” đó, không thể không nói đến sự đóng góp xứng đáng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 và Sư đoàn 968 ở hướng tiến công phía Bắc.
Nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của Chiến dịch ở phía Nam đột phá vào thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 đảm nhiệm một hướng quan trọng ở phía Bắc của chiến dịch với nhiệm vụ: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của chủ lực Quân đoàn 2 ngụy, đánh chiếm đường số 7, cắt đứt hoàn toàn đường 14 ở nam Pleiku, thực hiện bằng được nhiệm vụ giam chân thu hút địch, cài thế chiến dịch, tiến công và làm chủ chi khu Thuần Mẫn, thị xã Cheo Reo, chia cắt hoàn toàn Buôn Ma Thuột với Pleiku… Đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề đối với Sư đoàn, bởi phải tác chiến độc lập trên một không gian rộng, lực lượng địch khá đông và mạnh lại có ưu thế về phi pháo.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 tập trung nghiên cứu thảo luận đề ra các biện pháp sát thực. Đã hơn 3 năm sát cánh cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Gia Lai đánh địch, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn hiểu khá rõ phương pháp và thủ đoạn tác chiến của các đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 ngụy. Ngược lại, cơ quan tình báo địch ở Pleiku cũng thường xuyên theo dõi từng động tĩnh của Sư đoàn, vì theo chúng: “Cứ Sư đoàn 320 chính quy Bắc Việt có mặt ở chỗ nào thì ở đó sẽ có đánh lớn”. Vì thế, đợt hoạt động này với quy mô lớn và quan trọng như vậy thì việc giữ bí mật lực lượng, thời gian tác chiến phải được đặt lên hàng đầu.
Đầu tháng 1-1975, từ các cánh rừng của huyện 5 (nay là các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông), Trung đoàn pháo binh 54 và Tiểu đoàn 17 công binh được lệnh bí mật rời vị trí cơ động vào tây bắc Buôn Ma Thuột làm nhiệm vụ mở đường chuẩn bị cho xe tăng, pháo binh ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột.
Đến đầu tháng 2, các đơn vị còn lại của Sư đoàn lần lượt được lệnh rút khỏi tuyến chốt giữ dọc đường 19 Tây, bí mật hành quân vào ém quân dọc phía tây đường 14 từ nam Chư Sê (Gia Lai) đến bắc Buôn Hồ (Đăk Lăk). Các đơn vị khi di chuyển đều được lệnh để lại một bộ phận kết hợp với Tiểu đoàn 12 (Tỉnh đội Gia Lai) do Phó Tư lệnh sư đoàn Bùi Đình Hòe chỉ huy tiếp tục đánh địch, bảo vệ địa bàn và làm công tác nghi binh. Hằng ngày, hệ thống thông tin vô tuyến của Sư đoàn được lệnh phát lên không trung những báo cáo, mệnh lệnh, chỉ thị giả giữa Sư đoàn với các đơn vị, giữa Sư đoàn với Bộ Tư lệnh chiến dịch. Bằng những việc làm đó và hàng loạt hành động nghi binh khác, ta đã làm cho cơ quan tình báo và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy đinh ninh rằng Sư đoàn 320 vẫn “án binh bất động”, chuẩn bị tiến công vào thị xã Pleiku. Đến giữa tháng 2, khi Sư đoàn 968 từ Hạ Lào về thay chân chốt giữ dọc đường 19 Tây thì lực lượng của Sư đoàn 320 mới rút hết.
Những ngày đầu tháng 3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy tăng cường máy bay trinh sát, thám báo, rồi đổ cả Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23) xuống khu vực nam Chư Sê để truy tìm dấu vết của Sư đoàn 320. Đúng lúc đó, các đơn vị của ta trên đường 19 Tây và đường 19 Đông được lệnh đánh mạnh, uy hiếp quận lỵ Thanh An và thị xã Pleiku; địch vội vã điều Trung đoàn 45 về bảo vệ Pleiku.
Xét thấy thời cơ đã chín muồi, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 320 tổ chức cắt đường 14. Khoảng 17 giờ ngày 5-3, một đoàn xe gồm 15 chiếc của Vũ Thế Quang - Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy và đoàn tùy tùng trên đường từ Pleiku vào Buôn Ma Thuột, đến đoạn nam Ea Hleo (Đak Lak) liền bị các chiến sĩ Trung đoàn 9 chặn đánh. 8 xe quân sự bị bắn cháy, hàng chục tên địch bị diệt, ta thu 1 pháo 105 ly và bắt sống 30 tên, trong đó có 1 trung úy ngụy; 7 chiếc xe đi sau, trong đó có xe của Vũ Thế Quang quay đầu chạy về Pleiku.
Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 48 chuẩn bị tiến công chi khu Thuần Mẫn. Đúng 6 giờ ngày 8-3, Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 3) được tăng cường hai pháo 105 ly và ba pháo 85 ly bắn thẳng tiến công chi khu quân sự quận lỵ Thuần Mẫn. Sau 1 giờ 20 phút chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 48 đã làm chủ trận địa, diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát dã chiến và cơ quan chi khu, bắt 121 tên, thu 200 súng, có 2 khẩu pháo 105 ly, 18 xe quân sự cùng nhiều phương tiện khác.
Trung đoàn 64 (có Đại đội 1 súng máy cao xạ 12,7mm, Tiểu đoàn 16 chúng tôi tăng cường) sau hơn 1 tuần liên tục cơ động trong những cánh rừng suốt hai bên đường 14 từ Chư Léo đến bắc quận lỵ Buôn Hồ làm nhiệm vụ nghi binh, sáng ngày 9-3, được lệnh tiến công chi khu Buôn Hồ. Sau 3 giờ, Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 9) cùng các lực lượng tăng cường đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở đây gồm 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến cùng toàn bộ hệ thống ngụy quyền ác ôn, thu nhiều vũ khí trang bị của địch; giải phóng hoàn toàn quận Buôn Hồ.
Chi khu Thuần Mẫn và Buôn Hồ - hai căn cứ mạnh nhất của địch trên tuyến quốc lộ 14 bị tiêu diệt, con đường 14 nối nam - bắc Tây Nguyên bị chặt đứt đã cô lập hoàn toàn giữa Pleiku với Buôn Ma Thuột. Thế là, bằng chiến thắng Thuần Mẫn, Buôn Hồ và hàng loạt các hoạt động của Sư đoàn 320 ở phía Bắc đã góp phần tạo thuận lợi cho đơn vị bạn tiến công làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột vào trưa ngày 11-3.
Đại tá Nguyễn Hùng Tấn - Nguyên a trưởng a1, c1, d16, f320 năm 1975