“Nút thắt” trong tích tụ ruộng đất!
Tuy nhiên, ngay sau đánh giá về thành tựu đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của Ngành Nông nghiệp. Mà hạn chế lớn nhất là quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới năng suất lao động thấp, đời sống của người nông dân khó khăn. Nghĩa là có một nghịch lý: Tuy xuất khẩu gạo của ta đạt nhất nhì thế giới, nhưng đời sống của người nông dân lại dường như dẫm chân tại chỗ, thậm chí còn dự báo sự phá vỡ nông nghiệp rất nghiêm trọng. Đó là tình trạng người nông dân bỏ ruộng, nhân lực chất lượng cao ngày càng giảm.
Có những địa phương như ở các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư… của tỉnh Thái Bình, 30 năm trước còn là vựa lúa của cả nước thì nay đồng ruộng tan hoang. Nhiều cánh đồng người nông dân bỏ mặc cho cỏ mọc. Hầu hết ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trên cánh đồng chỉ có người già và phụ nữ trung niên cấy cày. Rất hiếm có nam giới, nếu như không muốn nói là không có.
Nhưng ông Bộ trưởng cũng chỉ ra, trong bức tranh ảm đạm chung đó của Ngành Nông nghiệp cũng le lói những gam màu sáng. Ví dụ như tỉnh Hưng Yên có người sở hữu 120ha đất đã sản xuất lúa, áp dụng công nghệ cao ở mọi công đoạn, từ gieo giống lúa, đến cấy, gặt… chế biến gạo chất lượng cao và bán hết sang Nhật Bản. Cũng tại địa phương này, một nông dân khác sở hữu 130ha đất, trồng chuối xuất khẩu rất ổn định thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa.
Như vậy, chúng ta có thể thấy một vấn đề lớn phải thay đổi trong nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng là phải CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nghĩa là phải có một cuộc cách mạng lớn trong tích tụ ruộng đất (công việc đầu tiên của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn).
Nói thì một câu ngắn gọn như thế, nhưng để thực hiện thành công là cả một quá trình hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi cả hệ thống chính trị “vào cuộc thật” chứ không thể nói suông hay vào cuộc nửa vời như lâu nay.
Khó nhất là phải có một hệ thống pháp luật bảo đảm cho người nông dân giao đất cho một người, hay một doanh nghiệp tích tụ lại để tổ chức sản xuất, nhưng người nông dân vẫn không mất đất theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Còn “ông chủ” nhận đất của người nông dân thì yên tâm biến nó thành “bờ xôi, ruộng mật” mà không sợ “chủ đất” đòi khi đang canh tác… Đây chính là “nút thắt” trong tích tụ ruộng đất để CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mấy năm qua, trong “cơn lốc” xây dựng nông thôn mới, một số địa phương phía Bắc nóng vội học “cánh đồng mẫu lớn” của Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả “chết như rạ”. Có xã ở tỉnh Thái Bình, nông dân còn vác gậy đuổi đánh “chủ doanh nghiệp” do bị bần cùng hóa. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng đó là do chưa có pháp luật bảo đảm, toàn “ký kết” miệng!
Đi trước một bước là công tác tuyên truyền thuyết phục để người nông dân có suy nghĩ mới về “người cày có ruộng”. Không phải như hiện nay, mỗi hộ gia đình sở hữu một thửa ruộng sản xuất theo lối cũ “con trâu đi trước, cái cày đi sau” là có cuộc sống no đủ. Thực tế là nếu không áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh làm tăng năng suất lao động, thì thậm chí chính thửa ruộng lại kéo lùi đời sống của người nông dân.
Đi đôi với tuyên truyền giáo dục, cần xây dựng ngay một hành lang pháp lý bằng hệ thống pháp luật rất chặt chẽ, để bảo vệ tài sản, ruộng đất và tư liệu sản xuất của người nông dân nhằm tránh hiện tượng kiện cáo, hay những hành vi lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người nông dân mà các chủ doanh nghiệp ra tay thâu tóm ruộng đất thành của riêng mình.
Muốn như thế, thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ tư vấn về luật pháp giúp cho người nông dân trong quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền cho người nông dân hiểu về những chính sách mới này; phải nói cho nông dân thấy được lợi ích thật sự đối với bản thân mỗi người trong tích tụ ruộng đất.
Đây thực sự là một công việc lớn mang tầm quy mô của một cuộc cách mạng trong cả nhận thức và hành động, đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay góp sức cùng làm.
Phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa làm vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục, lấy kết quả thực tế để điều chỉnh chính sách ngày càng phù hợp hơn, chặt chẽ hơn.
Với một lợi thế về quỹ đất nông nghiệp dồi dào, nước ta không thể chậm trễ, bỏ lỡ một cơ hội vô cùng quý giá để tham gia vào ngành kinh tế nông nghiệp lợi nhuận cao mà nhiều nước quanh ta đã thực hiện từ lâu.
Vũ Dương Nghi