"Nút thắt"- Thu phí không dừng
Báo tháng 9 -Thu phí tự động qua tài khoản, không dừng (ETC) tại các trạm BOT giao thông là một chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp BOT và chủ phương tiện.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông, Vận tải (GTVT) chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn rất chậm chạp, thậm chí “dẫm chân tại chỗ” do các doanh nghiệp BOT vẫn cố tình đưa ra vô số lý do để trì hoãn.
Vì sao?
Về phía Bộ GTVT đưa ra lý do: Khi thì nhà thầu không cung cấp kịp thiết bị, khi thì chủ đầu tư không mặn mà…; còn doanh nghiệp BOT thì biện hộ, nào là năng lực của nhà cung cấp dịch vụ ETC chưa đáp ứng được phương án tài chính của BOT, nào là tỉ lệ sử dụng ETC chưa cao nên chưa triển khai…
Theo nhiều chủ đầu tư BOT là phải đấu thầu công khai, thay vì Bộ GTVT chỉ định nhà cung cấp thiết bị. Đại diện Công ty TNHH VETC (VETC), đơn vị được Bộ GTVT giao cho trách nhiệm triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC - ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc cho biết: Tại các trạm đã vận hành thương mại, doanh thu từ các làn thu phí tự động chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7% trên tổng doanh thu.
Ông Hà cũng cho rằng, dù đã phối hợp với 17 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, VETC mới dán thẻ được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ô tô trong cả nước.
Dường như bất lực trước sự bất hợp tác của các doanh nghiệp BOT và chủ phương tiện, đại diện của VETC đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp cưỡng chế các trạm thu phí triển khai ngay các trạm thu phí tự động không dừng và bắt buộc các chủ phương tiện dán thẻ giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
"Cháy nhà mới ra mặt chuột"!
Trong thời gian qua, sau những “sự cố” nghiêm trọng, việc thu phí tại các trạm BOT đã có những phát sinh tiêu cực, đặc biệt là hiện tượng gian dối trong kê khai doanh thu, nhằm kéo dài thêm thời gian thu phí gần như đều có dấu hiệu ở đa số các doanh nghiệp đầu tư BOT.
Điển hình như cuối năm 2018, hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị bắt, vì có hành vi thuê chuyên gia công nghệ thiết kế phần mềm để làm giảm số tiền thu phí của tuyến cao tốc T.P Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Còn nhớ vụ cướp 2,2 tỉ đồng của một ca trực tại trạm thu phí cao tốc T.P Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào dịp đầu năm 2019, đã làm dư luận nghi ngờ doanh thu của BOT này có thể lên đến 6 tỉ đồng/ngày, chứ không phải hơn 3 tỉ đồng/ngày như báo cáo.
Trao đổi với báo giới về thực chất của việc chậm trễ trong việc triển khai ETC, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa -Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam, nguyên GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc T.P Hồ Chí Minh cho rằng, các BOT chậm triển khai thu phí tự động mấu chốt là sợ minh bạch, sợ công khai.
Ông nói: "Không ít BOT giao thông có dấu hiệu của lợi ích nhóm, họ cố tình giấu bớt doanh thu thực để được nộp thuế ít và được kéo dài thời hạn thu phí. Vì vậy, nếu triển khai thu phí tự động thì doanh thu thực sẽ được sáng tỏ. Khi đó cơ quan chức năng căn cứ vào doanh thu thực này để thu thuế và giảm thời hạn thu phí nên họ sợ."
Tuy nhiên, triển khai ETC trong thực tế cũng đang còn vấp phải những bất cập trong mở tài khoản sử dung ETC do VETC hiện đang áp dung. Điển hình như ý kiến của ông Phạm Tiến Hùng - Giám đốc Công ty cổ phận Đức Việt, Hải Phòng, cho rằng, hiện doanh nghiệp của ông có trên 80 đầu phương tiện kinh doanh vận chuyển và đầu kéo. Triển khai thu phí ETC, doanh nghiệp rất hưởng ứng bởi việc quản lý, thanh toán phí cầu, đường đơn giản và minh bạch hơn. Nhưng thực tế việc cần phải có một khoản tiền đóng trước vào tài khoản của VETC là một sự bất hợp lý. Tại sao việc thu phí ETC không tích hợp với tài khoản ngân hàng hiện có của doanh nghiệp. Khoản tiền lớn mà doanh nghiệp đóng vào tài khoản VETC không được tính lãi thì doanh nghiệp sẽ hạch toán vào đâu?
Tại diễn đàn Thanh toán điện tử, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, ngân hàng…. đều thống nhất, cần có sự tích hợp, liên thông để người dân có thể sử dụng một thẻ thanh toán duy nhất cho mọi loại hình giao dịch điện tử.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, sự góp sức của các ngân hàng về công nghệ thanh toán là rất cần thiết.
Ông nói: “Khi các ngân hàng muốn có dòng tiền ổn định để quay vòng, kinh doanh thì chuyện họ quan tâm, đầu tư hỗ trợ hệ thống thanh toán thu phí không dừng nói riêng, hệ thống thanh toán phí giao thông là bình thường”.
Lợi ích của việc triển khai thu phí ETC là điều không thể phủ nhận cho việc quản lý, kinh doanh hệ thống giao thông BOT; tuy nhiên việc triển khai cần có những chủ trương đúng đắn, loại trừ được những tiêu cực, lợi ích nhóm là việc mà cơ quan chủ quản Bộ GTVT cần phải cân nhắc để làm sao cho chủ trương thực sự đem lại lợi ích chung cho xã hội, doanh nghiệp và đông đảo người dân.
PHẠM HOÀI PHI