Nuôi vịt biển - Hướng đi đúng ở vùng ven biển
Đây là giống vịt mới nuôi thích nghi trên vùng biển mặn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tham gia mô hình này, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 60% tiền con giống, 30% tiền thức ăn, phần còn lại tự đầu tư.
Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt ở huyện An Biên phát triển tốt, không bị dịch bệnh, mau lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với nuôi giống vịt ở địa phương.
Bà Trần Thị Huệ, ngụ ấp Ngã Bát, xã Tây Yên A cho biết: Qua gần 3 tháng nuôi, mỗi con vịt cân nặng gần 3 kg, với giá bán 45.000 đồng/kg, cho lợi nhuận hơn 5,3 triệu đồng. Theo gương bà Huệ, nhiều bà con cũng chuyển sang nuôi giống vịt này để góp phần giải quyết lao động nông nhàn và tăng tu nhập kinh tế cho gia đình.
Không chỉ ở An Biên, giống vịt này cũng được Ban CHQS huyện đảo Kiên Hải bước đầu nuôi 505 con thành công, đàn vịt biển phát triển tốt, trọng lượng gần 3 kg/con. Đại úy Trương Văn Kha - Trưởng Ban Hậu cần - Kỹ thuật cho biết: Vịt biển ăn khỏe, bén hơi người chăm sóc. Thời gian tới, khi vịt đẻ, đơn vị sẽ thử cho ấp nở. Nếu thành công, đàn vịt biển sẽ góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ, phục vụ nhân dân trên đảo.
Theo kỹ sư Lê Hồng Sinh-Trưởng trạm Khuyến nông huyện An Biên, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc chọn nuôi loại vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học là rất cần thiết. Với khả năng thích nghi cao ở vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ khan hiếm vào mùa khô, thì việc nuôi vịt biển sẽ giúp cho bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Được biết, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình nuôi vịt biển ở địa phương.
Lê Sen