Nước sạch – bài tóan nan giải (06/08/2009)

“Nước máy” có

đồng nghĩa với

nước sạch?

Người dân vẫn quen gọi nước sinh hoạt được cung cấp từ các nhà máy nước là “nước máy” - được khai thác chủ yếu từ nguồn nước ngầm. Hiện việc khai thác nước dưới lòng đất ngày một nhiều dẫn đến sự hình thành phễu hạ thấp mực nước, biểu hiện khá rõ theo diện rộng và chiều sâu ở một số nơi, điển hình là khu vực phía nam TP Hà Nội, nơi có nhiều bãi giếng đang hoạt động. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm tầng nước ngầm, gia tăng các thành phần hóa học như asen, amoni, hàm lượng các hữu cơ khác. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế của Việt Nam lại có quy định về hàm lượng asen, amoni có trong nước sinh hoạt, vậy mà khi có thông tin nước máy của một số nhà máy nhiễm asen, amoni,... vượt từ 6-18 lần so với tiêu chuẩn, người dân cũng chỉ được khuyên “cần bình tĩnh, cân nhắc tìm giải pháp hữu ích”. Các nhà máy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp còn không xử lý được thì liệu mỗi hộ dân có tìm ra “giải pháp” cho mình? Theo các nhà khoa học, biện pháp hữu hiệu nhất cho nước sạch Hà Nội là sử dụng nước sông Đà thay thế toàn bộ nguồn nước ngầm hiện nay, nhưng mục tiêu của thành phố tới năm 2015 chỉ mới cung cấp được 200.000m3 nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước sông Đà, trong khi người dân nội thành mỗi ngày đang dùng hơn 750.000m3.

Nếu loại bỏ nguyên nhân nguồn nước thì nước máy có thực sự sạch? Tình trạng nước sinh hoạt có hàm lượng clo vượt quá quy định còn xảy ra. Khi có đường ống dẫn nước máy về đến nhà, cả gia đình chị Thơm ở phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội vui mừng vì từ nay đã có nước sạch, nhưng vừa mở vòi nước thì con gái chị chun mũi, kêu lên: “Nước máy có mùi giống “nước bể bơi” mẹ ơi!”. Cho đến nay vẫn còn hiện tượng này, tuy không thường xuyên, có lần chị phản ánh với cán bộ đi thu tiền nước nhưng không có câu trả lời. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan như dò rỉ đường ống dẫn nước; lũ lụt làm nước mưa, nước thải tràn vào bể chứa nước của các gia đình, các khu tập thể nhà cao tầng...

Giải pháp tình thế

của người dân

Thiếu nước sạch được coi là bất khả kháng, các gia đình phải tự tìm biện pháp giải quyết: mua nước khoáng đóng chai; lắp đặt thiết bị lọc nước; khoan giếng; có bể chứa đề phòng “mất nước”...

Dù có điều kiện đến đâu, những gia đình khá giả cũng chỉ mua nước khoáng đóng chai dùng vào việc nấu ăn, cùng lắm là để tắm... cho các bé sơ sinh. Vì đem lại siêu lợi nhuận nên có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này, “hàng thật”, “hàng giả” lẫn lộn và rất khó xác định chất lượng “tinh khiết” nhưng vẫn bán chạy, nhất là trong các cơ quan, doanh nghiệp nước đóng chai được sử dụng phổ biến bởi sự tiện lợi và không cần phải đun nấu.

Không chỉ dân thành thị thiếu nước mà ở nông thôn cũng chỉ có gần 10% số dân được tiếp cận sử dụng nước hợp vệ sinh. Vì vậy đã xuất hiện những “nhà máy nước mini” trong nhiều hộ gia đình từ việc khoan giếng, bơm nước đến lọc nước bằng các phương tiện sẵn có để giải quyết vấn đề “thiếu”, còn “sạch” đến đâu tuỳ vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Trước nỗi lo nguồn nước ngầm ô nhiễm, nhà thì mua máy lọc, bình lọc ngoại nhập, nhà thì tự làm hệ thống lọc bằng cát, sỏi, than hoạt tính,... Giá cả và chất lượng của các thiết bị này tuỳ theo nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng.

Việc khai thác nguồn nước ngầm tự phát không giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sạch mà còn gây ô nhiễm nguồn nước và lãng phí cho toàn xã hội. Ông cha ta có câu “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh theo đường miệng vào), một bữa ăn bình thường nhất cũng không thể thiếu được nước, vậy mà nước sạch vẫn chưa được quan tâm đầu tư có chiều sâu.

Bài và ảnh Thanh Hương