Nước mắt ngày ra trận
Ông Phạm Ngọc Toàn và bà Lê Thị Đức chụp ảnh tại nhà riêng của mình năm 2019
Ngày lên đường vào Nam đánh giặc, bỗng tôi nhìn thấy một cô bộ đội đang ngơ ngác nhìn đoàn quân như cố tìm ai. Tôi thót tim thốt lên: "Đức, đúng Đức rồi!". Lúc đó là 3 giờ chiều ngày 5-10-1972. Người tôi cứ run lên.
Chúng tôi chỉ kịp nhìn nhau. Đức đưa vội cho tôi phong thư và một chiếc khăn tay màu trắng viền chỉ đỏ có thêu hai chữ “Nhớ mãi”. Đó là tín hiệu tình yêu. Không ai nói với ai một lời. Không thể nói được. Không có thời gian để nói. Đoàn quân cứ thế đẩy tôi đi. Tôi vừa đi vừa quay lại nhìn theo Đức, thấy Đức chạy lên dốc vào nhà. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau.
Đức là cô bạn gái cùng làng với tôi - thôn Phong Mỹ, xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Em vào bộ đội sau tôi 5 tháng (tháng 5-1972). Chiều qua, 4-10-1972, nhận quân trang đi B (vào Nam) tôi và hai người bạn cùng tổ rẽ vào đơn vị Đức đang đóng quân trong nhà dân (xã Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa). Biết là đi B nhưng chúng tôi không biết giờ nào, ngày nào, đi đường nào? Nhưng kỳ lạ thay, sao Đức lại biết. Sau này em kể: “Như là linh tính, em nghe thấy tiếng bước chân hành quân cứ rầm rập đi về hướng nhà em trọ. Đã nhiều đoàn quân đi B qua đây. Em ra đón may ra gặp anh. Anh biết không: Chiều hôm đó các bạn đi vắng, em trùm chăn nằm… khóc!”.
Cuộc chia tay đầy cảm động trước giờ tôi vào trận. Thật lãng mạn. Một người con gái biết người mình yêu đi vào chỗ bom đạn, biết ngày nào về, biết sống, chết ra sao mà dám hứa hẹn, mà dám yêu đương. Tình yêu đó chính là sức mạnh nâng bước tôi đi. Cảm ơn tình yêu đã theo suốt tôi cả chặng đường.
“Em có biết không? Bữa ấy cả đoàn quân chỉ mình anh là hạnh phúc nhất...”
Tôi không thể tưởng tượng được Đức lại vào bộ đội. Cô gái mảnh mai ấy chỉ có 39kg. Cô y sĩ khám tuyển bảo: “Em nhỏ lắm, vào bộ đội gian khổ, không chịu đựng được đâu?”.
Đức phải nhờ cô bạn cùng làng vào cân hộ được 41kg, mới đủ sức khỏe nhập ngũ. Khi đơn vị chúng tôi đang hành quân trên đường Trường Sơn thì đơn vị Đức cũng được lệnh lên đường.
Đức kể: “Cả tiểu đoàn ngồi im, ba lô quân tư trang để ngay bên cạnh nghe truyền đạt nhiệm vụ. Rồi bỗng nghe chỉ huy hô: Đứng dậy. Lên ba lô. Tiếng khóc nức lên. Cả tiểu đoàn nữ khóc rứng rức. Không phải chúng em sợ mà chúng em nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ người thân. Đó là chiều ngày 9-11-1972, chỉ sau đơn vị anh hơn một tháng”.
Sau này tôi mới biết cung đường hành quân của đơn vị Đức đúng với cung đường hành quân của đơn vị tôi. Chỉ khác là chúng tôi dừng chân đóng quân ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, còn đơn vị Đức tiếp tục hành quân vào Thừa Thiên - Huế, bổ sung vào Trung đoàn 542, Sư đoàn 473, Đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn, trên tuyến đường Đông Trường Sơn.
Vợ tôi kể: Hôm vào đến A Lưới, cán bộ khung giao quân xong quay ra. Có đứa khóc đòi về. Đức cũng khóc cứ ôm lấy chị Quy, Trung đội trưởng. Đến mức chị Quy phải cởi chiếc áo đang mặc, mặc lên người Đức. Chị bảo: “Em mặc lấy áo này. Đi một lát rồi chị sẽ quay lại”.
Thực ra không còn cách nào khác chị phải làm thế để chia tay. Sau này gặp lại nhau ở Quảng Xương, chị làm kế toán cho một trường phổ thông cấp hai, còn Đức làm mậu dịch viên. Gặp nhau chị em mừng mừng tủi tủi. Giờ tuổi đã cao, biết chị còn khỏe không?
Đơn vị Đức thuộc binh chủng Công binh chuyên mở tuyến đường Đông Trường Sơn. Những năm 73, 74 chuẩn bị chiến dịch Xuân 1975, công việc mở đường càng khẩn trương hơn. Lính rải ra các cung đường. chặt cây rừng làm những cái lán một mái. Lấy cây rừng ghép lại làm giường. Hôm đầu lấy lá chuối rừng để lợp. Đến chiều lá teo tóp lại, thấy cả trời. Đến đêm trời mưa to, mấy đứa ngồi ôm nhau khóc.
Dần dà rồi cũng quen, nhiều hôm đi làm đường gặp trời mưa, người ướt như chuột lột. Ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Có hôm thì nắng như nung. Cái nắng ở Trường Sơn khô, hanh với những cơn gió Lào làm áo lính cứ bạc ra. Từ màu xanh, chuyển sang màu cháo lòng, rồi bạc phếch. Rách, vá, rồi lại rách. Trông cô nào, cô ấy như những... bà già.
Đi làm thì sáng ra ăn vội bát cơm với nước gạo rang pha chút muối. Xe tải đến đút đít trước các lán. Lính bịt kín mặt lên xe đến công trường. Trưa ăn cơm tại nơi làm, chiều tối xe chở về. Tắm giặt ăn cơm rồi vào lán phủ. Do yêu cầu của Mặt trận, các cung đường phải làm ngày, làm đêm. Làm dưới pháo sáng của máy bay địch. Dưới tiếng gầm thét của máy bay phản lực. Tiếng o o o của máy bay trinh sát VO10. Nhớ hôm mấy đứa con gái leo núi chặt cây. Trời mưa, bấm từng bước leo lên. Chọn những cây bằng bắp chân, nhưng chắc để rải mặt đường chống lầy cho xe. Chặt xong lao cây xuống dốc. Người cũng lao theo ngã nháo nhào. Về đến nhà cả người như những cây đất. Mở khăn che mặt ra mới biết mình là con gái. Khổ nhất vẫn là muỗi, vắt. Dù có màn, nhưng muỗi cứ vo vo không thể ngủ được. Những trận sốt rét rừng làm nhiều đứa rụng hết cả tóc. Mắt trắng, môi thâm trông thật tội. Có cơn sốt réc ác tính đã cướp đi cuộc đời người con gái chưa hề biết đến yêu là gì. Rồi thiếu rau, người cứ nhão ra. Đi hái rau rừng những măng, môn thục, tàu bay, tai voi... Rồi rau rừng cũng hết. Khổ nhất là vắt. Những con vắt như những con đỉa con cứ nhảy tanh tách, bám vào chân, vào người... Nhìn thấy mà hãi phát run lên, chỉ còn thiếu ngất xỉu...
Năm 1974, đầu 1975 toàn tuyến Đông Trường Sơn là một công trường lớn. Lính công binh làm đường, thay nhau làm cả ngày lẫn đêm. Xe lớn, xe con cứ rầm rập chạy vào tuyến trong. Khí thế chiến trường cứ hừng hực linh cảm như sắp có chuyện long trời, chuyển đất.
Thời gian sau, Đức được chuyển về đội tuyên văn của trung đoàn, làm công tác thông tin, tuyên truyền và hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ trên các tuyến đường của trung đoàn đảm nhiệm. Đầu năm 1975, dồn dập tin chiến thắng. Ban Mê Thuột rồi Huế - Đà Nẵng. Đến trưa 30-4 thì vỡ òa tin giải phóng miền Nam. Suốt ngày đài hát, lính hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mấy đứa cùng xã, cùng làng ôm lấy nhau... khóc. Lại khóc. Xa nhà... khóc, nhớ nhà, nhớ mẹ... khóc, buồn... khóc, sung sướng... khóc, thế là mới là con gái. Nhưng tất cả đã vượt qua và trưởng thành.
Đã hơn 3 năm sống trên chiến trường Thừa Thiên - Huế, Đức được kết nạp Đảng ngày 2-9-1975. Giữa năm 1976, đơn vị cho ra quân Đức, đi học trường Thương nghiệp ở Thanh Hóa, công tác cho đến khi về hưu.
Với tôi, sau giải phóng Quảng Trị thì ra miền Bắc học Trường Sĩ quan Lục quân (Sơn Tây). Tháng 3-1975, rục rịch giải phóng miền Nam ra trường, được bổ sung vào Sư đoàn 316 đang đứng chân phía tây bắc Sài Gòn. Cuối năm 1976 rục rịch chiến tranh ở biên giới phía Bắc, cả Sư đoàn làm một cuộc hành quân từ Sông Bé ra tận Phong Thổ, Lai Châu. Đầu năm 1977, tôi được nghỉ phép. Chúng tôi cưới nhau sau 5 năm xa cách. Trả phép về đơn vị, sẵn sàng chiến đấu. tháng 2-1979, tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trên tuyến Sa Pa - Lào Cai, bị thương và xuất ngũ về quê, tham gia công tác ở địa phương. Giờ đây hai chúng tôi đã nên ông, bà, có con, có cháu. Cuộc sống tuy chưa thật đầy đủ nhưng hạnh phúc.
Chúng tôi hai người bạn, hai người lính thuở binh nhì, mang tình yêu từ quê hương vào lính. Cùng chung gian khổ, cùng chứng kiến những mất mát, hi sinh và sống sót trở về.
Những năm là lính một thời để nhớ. Không thể nào quên!
Phạm Ngọc Toàn