Nước mặn - cơ hội làm giàu
Nhất là những năm gần đây tình trạng giá lúa gạo ngày càng xuống thấp do cung lớn hơn cầu, trong khi “vựa lúa” nước ta ngày một bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực ngày một sâu hơn vào đất liền, làm giảm diện tích trồng lúa tự nhiên, dẫn đến nước biển thừa, nước ngọt thiếu!
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT thỉ năm 2015, chỉ riêng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã có gần 40.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước ngọt, 122.000ha cây trồng bị hạn hán và hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng khô hạn kéo dài đến tận giữa năm 2016.
Sự mất cân đối đó đang đặt ra những câu hỏi hóc búa cho các nhà hoạch định phát triển kinh tế của Việt Nam. Có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, Đầu tư đắp đập chặn nước ngập mặn để tiếp tục trồng lúa. Luồng ý kiến thứ hai là nên phát triển lợi thế của nước mặn, giảm dần sản xuất lúa gạo.
Thực tế, rừng ngập mặn mang lại lợi ích kinh tế to lớn hơn rất nhiều lần trồng lúa. Nếu chúng ta đi ngăn nước mặn thì vừa mất nguốn kinh phí vô cùng lớn để “đắp đê ngăn mặn” và đào kênh dẫn nước ngọt phục vụ trồng lúa, lại mất nguồn lợi từ nước biển mang lại...
Môt dẫn chứng điển hình là rừng ngập mặn Cần Giờ (rừng Sác) thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh rừng bị bom đạn và chất độc khai hoang rải xuống làm cho rừng nghèo kiệt, hoang tàn.
Sau khi Cần Giờ nhập về thành phố, Thành ủy, UBND thành phố và nhân dân Cần Giờ... đã ra sức đầu tư khôi phục lại rừng, biến vùng đất “chết” thành “lá phổi xanh” của TP. Hồ Chí Minh hôm nay; biến “vành đai trắng” của Sài Gòn xưa thành “vành đai xanh” trù phú của TP. Hồ Chí Minh hôm nay và trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Đông Nam Á.
Rừng Cần Giờ có tới 1.157 loài thực vật thuộc 76 họ; 70 loài thuộc 44 họ hệ động vật không xương sống, thủy sinh, như cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết…; 137 loài cá thuộc 39 họ, như cá ngát, cá bông lau, cá dứa…; 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, như kỳ đà nước, hổ mang chúa, trăn gấm, cá sấu hoa cà,…; 130 loài chim, 47 họ, 17 bộ, như bồ nông chân xám, diệc xám, vạc, già đẫy, giang sen…; 19 loài thú, 13 họ, 7 bộ như mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím…
Chỉ riêng các loài cây trong rừng ngập mặn Cần Giờ có thể làm các vị thuốc như cây ô rô, cây lức, cây chùm gọng, cây xu, cây quao…
Tuy nhiên, nguồn lợi quan trọng của rừng ngập mặn Cần Giờ nói riêng, ĐBSCL nói chung phải kể đến là nguồn lợi thủy, hải sản có giá trị kinh tế rất cao.
Theo GS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL đã tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa.
Còn TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư thì thẳng thắn nói: "Chúng ta đang vướng và bị gò bó quá nhiều vào tư duy an ninh lương thực… Việc gì phải đi trồng lúa để xuất khẩu gạo và nuôi cả thế giới nếu điều đó không mang lại lợi ích cho đất nước này… Và người ta đâu có yêu cầu mình làm việc đó!”.
Khi tôi đang hoàn thành bài viết này thì nhận được tin vui, tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam vừa tổ chức tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, yêu cầu các bộ chức năng chung tay, tạo điều kiện tốt nhất để Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm. ĐBSCL phải là “thủ phủ” của ngành công nghiệp, nuôi và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo cho rằng, một trong những lợi thế của nước ta là có môi trường nuôi tôm nước lợ rất thuận lợi, nhất là vùng ĐBSCL; nền tảng nuôi và chế biến tôm cũng khá tốt đã xuất khẩu vào được nhiều thị trường khó tính. Với 350 nhà máy chế biến tôm (tổng công suất khoảng 1,4 triệu tấn), khả năng sản suất, chế biến tôm của Việt Nam đạt trình độ khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Nuôi tôm chính là nuôi nước”… Muốn ngành tôm phát triển ổn định, phải khảo sát lại quy hoạch đi liền với bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.
Ngành nuôi tôm mới chỉ là “lát cắt” nhỏ trong hệ sinh thái ngồn ngộn tiềm năng của rừng ngập mặn nước ta.
Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào cơ hội làm giàu từ nước mặn.
Tiến sĩ Phạm Như Khôi