Nước đầu nguồn
Trước tình hình lưu lượng nước sông Nile đoạn chảy qua Ai Cập được dự báo sẽ giảm 5 tỷ mét khối trong năm nay, Bộ Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập (MIWR) cho hay lượng nước thiếu hụt này tương đương 10% tổng lưu lượng 55,5 tỷ mét khối nước hằng năm theo Hiệp định chia sẻ nguồn nước sông Nile mà Ai Cập ký với Sudan năm 1959.
Trên cơ sở đó, MIWR đang nghiên cứu các khả năng nhằm hạn chế tác động của việc thiếu hụt nguồn nước, như phát động chiến dịch gia tăng nhận thức cộng đồng về bảo tồn nguồn nước, ngăn chặn các hành động xâm thực nguồn nước sông Nile, đồng thời chấm dứt tình trạng đổ phế thải vào nguồn nước.
Bên cạnh đó, Luật Nông nghiệp Ai Cập cũng quy định những điều kiện hạn chế trong canh tác lúa, ngô và chuối, vốn là những cây nông nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn nước tưới tiêu. Theo đó, những nông dân không tuân thủ quy định canh tác sẽ bị phạt khoảng 120 USD nếu vi phạm lần đầu, đồng thời số tiền phạt sẽ tăng lên khoảng 600 USD và thậm chí sẽ bị cấm canh tác nếu tái phạm.
Ai Cập là một trong những quốc gia đầu nguồn sông Nile, con sông có vai trò sống còn với không chỉ riêng Ai Cập mà cả các quốc gia vùng hạ lưu nơi con sông chảy qua. Việc Ai Cập có những biện pháp mạnh ngay với cả các công dân của mình để bảo vệ nguồn nước là việc nên làm cho dù Ai Cập bị ảnh hưởng 1 thì các quốc gia vùng hạ lưu sẽ thiệt thòi 10. Các quốc gia nơi con sông Nile chảy qua cũng đã ký kết các nguyên tắc quy định sử dụng nước hay tác động tới dòng chảy của con sông để cùng nhau chung sống.
Cách làm của Ai Cập và các quốc gia vùng hạ lưu sông Nile là kinh nghiệm quý để các quốc gia khác học tập, ví dụ như quản lý nguồn nước sông Mê Kông.
Nam Long