Nước đá Giải khát, không giải lo (17/09/2009)
Dưới cái nắng nóng như thiêu, như đốt của mùa hè, ai cũng có cảm giác khát nước nên nhu cầu sử dụng nước đá của người dân tăng cao. Có cầu sẽ có cung nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá phát triển. Vậy các loại nước đá này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Đứng quan sát một dãy bốn, năm hàng nước trà đá trước cổng siêu thị Big C, chúng tôi thấy chủ quán bày thuốc lá trong chiếc hộp kính nhỏ chứa được khoảng 7-8 bao các loại; mấy phong kẹo lạc, vài bao diêm, mấy chai nước ngọt các loại, cùng một hai chục phong kẹo cao su, tất cả được bày trên một chiếc thùng xốp cáu bẩn được úp xuống làm bàn. Bên cạnh chị là một chiếc làn đựng một phích nước, một giỏ mây nhỏ đang hãm chè nóng, một phích đá và một âu nhựa đựng nước chè đã pha sẵn. Khi thấy cơ quan chức năng từ xa là họ lật thùng xốp lại cho tất cả hàng, đồ nghề vào, cắp bên mình chạy thật nhanh. Hầu hết người bán hàng mua đá cây về đập thành từng cục nhỏ hoặc đập vụn để pha đồ uống và chính những người bán hàng cứ vô tư dùng tay trần bốc đá pha nước. Còn khách hàng dù có muốn lựa chọn cũng không có cách nào phân biệt được đá sạch hay đá bẩn, nên cũng đành “khuất mắt trông coi”...
Tôi vào một hàng nước, xin chị một cốc chè nóng, khi được hỏi vì sao chị không mua đá tinh khiết mà lại sử dụng đá cây pha trà đá cho khách, chị Nguyễn Thị Hoa bộc bạch: Các em thấy đấy, chị ngồi cả ngày bán được vài cốc nước trà đá, mấy điếu thuốc, với giá 1.000 đồng/cốc, mà còn cả chè nữa chứ, lời lãi chẳng được bao nhiêu, nếu dùng đá viên (đá tinh khiết) thì chị ăn gì... Trong lúc ngồi trò chuyện cùng chị chưa đầy 15 phút, chị đã bán được trên 10 cốc trà đá... Còn rất nhiều quán trà đá, nước mía, nước chanh ở đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, đặc biệt tại các bến xe Hà Đông, Mỹ Đình cũng có tình trạng tương tự.
Dù biết rằng, theo quy định đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm, tuyệt đối không được phép sử dụng trong ăn uống, giải khát; nhưng thực tế đá cây vẫn có mặt tại các cửa hàng ăn uống, quán trà đá. Anh Nguyễn Văn Thu, người chuyên giao đá cây ở Đống Đa cho biết: “Những ngày nắng nóng, các loại đá đều khan hiếm, nên khách hàng đặt mua đá cây rất nhiều, chủ yếu là giao cho những người bán nước mía, chè, trà đá...”.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu tất cả các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất nước đá trong mùa hè. Đối với các cơ sở sản xuất đá viên (đá tinh khiết), phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo đủ điều kiện VSATTP; hệ thống máy móc, chất lượng nước phải đạt tiêu chuẩn cho phép. Các cơ sở sản xuất đá cây chỉ được phép dùng để bảo quản thực phẩm vẫn phải kiểm định tiêu chuẩn nguồn nước đầu vào và cũng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mới được sản xuất. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh các loại nước giải khát trên địa bàn. Nếu phát hiện cơ sở nào sử dụng đá cây trong ăn uống phải xử lý nghiêm.
Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên quản lý chặt thị trường nước giải khát bình dân để người dân thực sự yên tâm khi sử dụng các loại nước đá. Người tiêu dùng cũng nên mua những sản phẩm nước đá có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất bởi những cơ sở có uy tín và điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sản xuất.
Thuý Hương