Nữ doanh nhân ham làm từ thiện
CCB Đinh Thị Lý thăm hỏi, tặng quà mẹ con bà Đinh Thị Pứa.
“Làm từ thiện không quan trọng ít hay nhiều, chủ yếu là tấm lòng. Khi tôi còn nghèo tôi chỉ đủ khả năng làm từ thiện là cho họ những bộ áo quần mình không còn mặc đến. Nhưng đến khi tôi làm ăn phát đạt, hai đứa con của tôi đã trưởng thành, có việc làm ổn định thì tôi dành tiền giúp đỡ mọi người…” - đó là quan niệm của nữ doanh nhân, CCB Đinh Thị Lý ở thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai khi nói về việc làm từ thiện của mình.
Thấu hiểu những mất mát, thiệt thòi của không ít người trở về sau chiến tranh và công lao to lớn của gia đình chính sách, người có công với cách mạng, bà Lý luôn chia sẻ, giúp đỡ để tri ân họ và xem đó như là trách nhiệm, lẽ sống của mình.
Điển hình như anh Đinh Văn Thân, người dân tộc Ba Na, ở làng Nák (thị trấn Kbang), năm nay đã 30 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20kg, bị liệt và câm, điếc do nhiễm chất độc da cam/dioxin. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào đôi bàn tay gầy guộc của người mẹ, thế nhưng khi biết bà Lý đến thăm thì anh vui vẻ hẳn lên. Nụ cười trên “thân hình trẻ con” của anh làm cho ai chứng kiến cũng phải rơi nước mắt.
Anh Thân là một trong 7 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được CCB Đinh Thị Lý nhận trợ cấp trọn đời với số tiền 200.000 đồng/người/tháng. Bà Đinh Thị Pứa, mẹ của anh Thân không nén được xúc động, nói: “Thân nằm một chỗ, khó khăn trong sinh hoạt đã đành, tiền để nuôi cháu cũng là một gánh nặng, có lúc tôi tưởng chừng như không gượng nổi nữa. Thế rồi cô Lý nhận trợ cấp hằng tháng cho cháu và thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà. Mẹ con tôi như chết đuối vớ được cọc”.
Nhiều gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kbang cũng được CCB Đinh Thị Lý giúp đỡ. Điển hình như, vợ chồng ông Trang Phú và bà Nguyễn Thị Thiện ở tổ dân phố 7 (thị trấn Kbang) đều là thương binh, tuổi lại cao nên gần như không còn khả năng lao động. Cuộc sống vì thế mà cứ thiếu trước hụt sau, nhất là những khi trái gió trở trời, vết thương do chiến tranh gây ra lại hành hạ ông bà. Biết rõ hoàn cảnh gia đình đồng đội, nên bà Lý thường xuyên đến thăm, động viên, trao tặng những món quà giá trị cả về vật chất và tinh thần.
Không chỉ gíup người tật nguyền, gia đình chính sách, bà còn dành hàng trăm triệu đồng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, trùng tu, sửa chữa các công trình lịch sử, văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho các địa phương trên địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Bình.
Quê gốc bà Lý ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Bà xung phong vào bộ đội từ năm 18 tuổi, năm 1982 xuất ngũ về quê hương xây dựng gia đình, rồi vào Gia Lai lập nghiệp. Từ 120 triệu đồng tiền vốn vay ngân hàng ban đầu, bà cùng chồng là Nguyễn Văn Kình phát triển thành doanh nghiệp Lý Kình, chuyên kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản, nhận xây dựng công trình giao thông, thủy lợi… Doanh nghiệp của bà giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân trên địa bàn. Công việc kinh doanh khi thuận lợi, lúc gặp khó khăn, nhưng dù ở hoàn cảnh nào bà Lý cũng dành thời gian đến với đồng đội, với gia đình đang cần sự giúp đỡ. Bà bảo: “Mang niềm vui đến với mọi người cũng là mang niềm vui đến với mình. Mong muốn của tôi là tiếp tục được lao động làm ra của cải để có thêm điều kiện đi làm từ thiện”.
Sơn Bắc