Nữ biệt động huyền thoại
Bà Đào Thị Huyền Nga (thứ 2 bên trái) chụp ảnh cùng đồng đội và Nhà sử học Dương Trung Quốc.
(Báo tháng 7) - Tham gia cách mạng từ năm lên 8 tuổi
Tiếp chúng tôi trong khu mộ tổ của gia đình, tọa lạc tại Khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, bà Đào Thị Huyền Nga, 72 tuổi đang cố nén những cơn đau vì thương tật chiến tranh thời chống Mỹ khiến bà đã phải lên bàn mổ 23 lần.
Bà kể: “Tôi tên Nga, nhưng từ năm 8 tuổi đã được tổ chức Đảng đặt cho bí danh là Lê Hồng Quân. Hồi nhỏ có biết ý nghĩa về cái tên này đâu, sau mới hiểu: “Hồng Quân” là ý chỉ “Hồng Quân Liên Xô” lúc bấy giờ. Còn họ Lê là họ của mẹ ruột tôi”.
Vốn có khả năng bơi lội trên sông nước rất thuần thục và luôn dũng cảm, mưu trí nên 8 tuổi bà đã được tổ chức Đảng phân công nhiệm vụ giao liên, đưa thư mật, lấy tin tức từ các đồn bốt ở khu vực 6 xã ven sông Hậu.
Bà Nga kể: “Hồi tôi còn bé tí đã bị địch dồn ép xem một chiến sĩ Việt Cộng “chiêu hồi”(!). Nhưng chúng thật không ngờ, chú bộ đội ấy đợi cho người xem đông đủ, bất ngờ hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ!”. Ngay lập tức chúng xông tới mổ bụng, moi gan chú để răn đe người theo cách mạng. Hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi bỏ học đi theo quân giải phóng”.
15 tuổi được kết nạp Đảng và làm Xã đội trưởng
Trong quá trình chiến đấu, bà Nga đã lập được nhiều chiến công xuất sắc tại khu căn cứ 6 xã (thuộc tỉnh Cần Thơ cũ) nên được kết nạp Đảng năm 1962 lúc mới 15 tuổi. Cũng trong năm đó, bà được đặc cách phân công nhiệm vụ Xã đội trưởng Xã đội Phú Thứ.
Nhớ về ngày tháng hào hùng ấy, bà Nga kể: “Hồi đó tôi là một trong những đảng viên trẻ nhất ở miền Tây. Chức Xã đội trưởng 15 tuổi cũng trẻ nhất”.
Trong thời gian này, bà được phụ trách công tác đấu tranh chính trị thông qua các tổ chức hợp pháp; đưa đón nhiều cán bộ cấp cao của Đảng; vận chuyến vũ khí qua sông Hậu để chi viện cho chiến trường Vĩnh Long, Trà Vinh. Bà còn tổ chức chôn giấu vũ khí tại nhiều ngôi mộ cổ, hay dưới những ngôi đền của gia tộc để che mắt địch.
19 tuổi được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng
Năm 1966, bà được tổ chức Đảng phân công về nhận nhiệm vụ làm chiến sĩ biệt động tại đơn vị T4 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) và được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động mang tên Anh hùng Lê Thị Riêng, tham gia hàng trăm trận đánh rất oanh liệt tại quận 2 (nay là quận 1) và quận 4 thuộc Sài Gòn – Gia Định; trong đó có nhiều căn cứ quan trọng của địch như: Dinh Độc Lập, Thượng Nghị Viện, Căn cứ Hậu cần Mỹ, Chợ Bến Thành…
Năm 1967, cơ sở bà bị lộ, phải quay về Cần Thơ để hoạt động. Đầu năm 1968, bà lại về Sài Gòn để cùng đồng đội chuẩn bị các trận đánh Tết Mậu Thân, năm 1968.
Ngày 5-5-1968, bà chỉ huy lực lượng biệt động tiến đánh một số điểm chỉ huy của địch gây nhiều tổn thất cho chúng… Sau đó địch tổ chức phản công. Để bảo toàn lực lượng, bà cùng hai người nữa làm nhiệm vụ thu hút hỏa lực địch và ra lệnh cho cấp dưới rút khỏi vòng vây địch.
Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, hai đồng đội của bà lần lượt hy sinh anh dũng. Riêng bà bị đạn địch bắn nát cánh tay trái. Nén đau, bà đã tự chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi mới chịu bị sa vào tay địch. Chúng đày bà ra Côn Đảo.
Có một câu chuyện rất bị hùng về bà và mẹ đẻ - Lê Thị Xuân (mẹ VNAH nay đã mất), là khi không khai thác được gì ở con, bọn giặc đã bắt và đưa bà Xuân ra Côn Đảo giam giữ, để hòng lung lay ý chí chiến đấu của bà. Trong suốt gần 6 năm giam giữ chúng tổ chức nhiều cuộc đối chất giữa hai mẹ con, nhưng cả hai đều giữ vững lời khai “không quen biết, không họ hàng”. Cứ mỗi lần như vậy, cả hai người đều bị chúng tra tấn dã man.
Bà Nga nói: “Có gì đau hơn khi hai mẹ con gặp nhau mà không nói nên lời, chỉ vì nghĩ đến Bác Hồ, nghĩ về Đảng, về bao đồng đội nên phải cố gắng vượt qua thôi” - bà Nga bật khóc.
Năm 1974, bà Nga và mẹ đẻ được cùng trao trả tù chính trị. Bà lại trở về với đồng đội tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam được giải phóng. Sau đó do sức khỏe quá suy kiệt, thương binh 1/4. Đào Thị Huyền Nga (Lê Hồng Quân) xin nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh.
Hơn 40 năm miệt mài đi minh oan cho đồng đội
Dù đã nghĩ hưu nhưng bà Nga vẫn canh cánh nhớ về những đồng đội đã hy sinh thầm lặng. Có người đã được Tổ quốc ghi công, nhưng cũng nhiều người vẫn chưa được minh oan do nhiệm vụ phải che giấu nhân thân của mình.
Từ suy nghĩ đó, hơn 40 năm qua, bà đã cắt công đi tìm lại đồng đội một thời chiến đấu cùng đơn vị để có hướng giúp đỡ tận tình với vai trò Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Biệt động Sài Gòn - Gia Định mang tên Lê Thị Riêng. Từ đó đã có nhiều đồng đội thoát nghèo từ sự cưu mang của tập thể; nhiều người đã được minh oan với quá khứ “đen” của mình; nhiều ngôi mộ đồng đội đã được xây dựng tươm tất để xứng đáng với sự hy sinh của họ.
Chia tay chúng tôi, bà Nga còn ưu ái tặng tôi tập thơ mang tên “Nước mắt chảy ngược” do bà sáng tác với lời dặn chân tình: “Tôi làm thơ rất kém nhưng vẫn cứ làm như một mệnh lệnh trái tim thiêng liêng lắm. Viết để nhớ về người thân, về đồng đội, về quê hương đất nước; viết để không quên những người đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn”.
Đã vào “tuổi xưa nay hiếm”, sức khỏe sa sút bởi quá nhiều thương tật và đã mất đi một cánh tay, nhưng bà Đào Thị Huyền Nga vẫn chưa dừng bước trên cuộc hành trình đi tìm đồng đội với cái tâm sáng của một người Cộng sản đã 57 tuổi Đảng; cái tâm của người lính Cụ Hồ; cái tâm của một người nữ biệt động luôn làm theo lời Bác, đi theo lá cờ của Đảng quang vinh luôn xả thân vì độc lập tự do của dân tộc.
Trương Thanh Liêm