Nông dân mình rất dễ tin!

Hưng Nguyễn
Nông dân mình rất tin vào báo, đài của Nhà nước! Cũng vì vậy tôi hơi băn khoăn về chuyện cây mác ca đang gây "sốt" trên báo, đài và trong dư luận thời gian gần đây.
Có lẽ từ trước đến nay ít có chủ trương trồng một loại cây nào lại bùng phát rầm rộ và gây phản ứng nhiều chiều như cây mác ca! Người chủ trương ủng hộ, gọi cây mác ca là "cây tỷ đô"; là "nữ hoàng của các loại cây", "nữ hoàng tỷ đô"... Để dân yên tâm vui vẻ mà trồng, có vị khẳng định như đinh đóng cột: "Cây mác ca đã trồng thử nghiệm cách đây hơn 10 năm tại Lâm Đồng-thủ phủ cây mác ca thế giới...". Kế đó, có vị chủ nhà băng cung cấp những thông tin vô cùng hấp dẫn: "Trồng mác ca 2 năm cho bói, sau 4 năm trả hết vốn gốc và lãi vay. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ..." và: "Sẽ không chỉ bàn mà làm luôn"... "Không ai làm thì tôi cũng tự trồng..."; "Chúng tôi không quẳng tiền qua cửa sổ"... Đúng là "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" - người xưa nói quả không sai!
Nghe đâu rằng một siêu dự án về cây mác ca đã được định hình. Theo đó, đến năm 2020 sẽ có 200.000ha trồng tại Tây Nguyên, 30.000ha ở Tây Bắc, với tổng số tiền đầu tư lên đến 22.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng hạt mác ca của Việt Nam là 200.000 tấn.
Làm ăn theo kiểu tính cua trong lỗ thế này thì ai không dám nói, chứ nông dân mình thấy trồng mác ca dễ ăn hơn cả trồng tiêu-điều, hơn cả trồng "khoai lang bồ” những năm 1978-1979... chắc chắn sẽ rất cảm ơn với mấy ông nhà băng và sắp thành tỷ phú cả lượt đến nơi rồi!
Vấn đề đặt ra là: Có người nói "Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ", "Chúng tôi đã trồng thử nghiệm", và "Nông dân đã tăng thu nhập đáng kể nhờ vào loại cây này", vậy xin hỏi: Ai trồng? Trồng bao nhiêu? Ai tiêu thụ loại hạt này? Lời lãi như thế nào?... Bởi từ trước đến nay, nông dân đã bao phen điêu đứng vì những dự án "Trời ơi đất hỡi" kiểu như trồng điều, ca cao trên diện tích rộng ở Tây Nguyên; đưa ồ ạt cây cao su, cà phê ra các tỉnh miền Bắc... Khởi xướng thì "Trống giong cờ mở"; hậu quả thì nhiều nông dân thành con nợ, thậm chí có đơn vị chủ quản phải xóa nợ cho tập đoàn trồng điều ở Tây Nguyên mấy chục tỷ đồng...; chưa kể có vị quan chức một tỉnh phía Bắc đã rơi vào vòng lao lý khi cho giải tỏa đồi rừng để trồng cao su...
Ở một góc nhìn khác, hãy tỉnh táo một chút để thử hỏi: sao trồng mác ca ngon ăn thế mà trong mấy chục năm, tại những xứ sở có lợi thế về thiên nhiên, về công nghệ chế biến như Ô-trây-li-a, Mỹ, Nam Phi... người ta cũng mới trồng hơn 80.000ha cây mác ca? Hay người ta quá tốt bụng để dành một cái "nhất" nữa cho người Việt mình. Và ai đó gọi Lâm Đồng là "thủ phủ cây mác ca thế giới" trong tương lại, tôi giám chắc cũng giống một thời ta cho mỏ dầu Bạch Hổ, Đại Hùng... của mình như con voi, còn dầu mỏ Cô- oét, Ả Rập-xê-út... chỉ là cái kiến. Cái bệnh thích "nhất thế giới" của người Việt thì thời nào cũng sẵn!
Có vẻ như, dư luận lắng lại khi gần đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (qua báo Lao Động) chia sẻ: "Trước mắt, ta nên trồng mác ca ở những nơi đã thử nghiệm thành công. Trồng 10.000ha cho đến năm 2020. Chúng ta không nên mở rộng diện tích ồ ạt, cần nghiên cứu đánh giá kết quả, trên ơ sở đó có điều chỉnh hợp lý".
Trồng cây mác ca là chủ trương lớn. Cần phải tính toán thấu đáo; phải có trách nhiệm với người dân. Không nên mạnh ai nấy nói. Nông dân vừa dễ tin, và phàm là con người thì "Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê"... Đành rằng chẳng anh nhà băng nào dại ném tiền qua cửa sổ, nhưng dân vay của anh rồi làm ăn thất bát, chắc chắn sẽ biến thành con nợ khó đòi của anh, chưa kể tới những hệ lụy nặng nề khác.
Lại nghe, chương trình trồng cây mác ca đang ở đâu đâu, mà cây giống mắc ca đã rục rịch tăng giá, lại còn giống thật, gống rởm. Đúng là thật giả chẳng biết đâu mà lường!
H.N