Nông dân đến hẹn... lại buồn (22/02/2013)
Nghịch lý là các thương lái chỉ mua lúa phẩm cấp thấp như IR 50404, còn lúa chất lượng cao như jacmine dù giá rất thấp nhưng thương lái không đoái hoài.
Ế** lúa chất lượng cao**
Chúng tôi về Giồng Riềng, một trong những huyện có diện tích, năng suất và sản lượng lúa được xếp vào hàng cao nhất của tỉnh Kiên Giang. Dọc theo đường giao thông thuộc các xã Long Thạnh, Ngọc Chúc, Hòa Thuận, Hòa Hưng, Ngọc Thuận… các cánh đồng lúa chín vàng ươm, có nơi đã thu hoạch xong chỉ còn trơ gốc ra, một vài thửa ruộng đang thu hoạch bằng máy.
Đứng nhìn hai chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động “ăn” những bông lúa chín vàng, cho ra những bao lúa căng tròn khắp cánh đồng 2ha của gia đình nhưng lão nông Trần Văn Tốt (ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận) tỏ ra không vui: “Lúa năm nay trúng mùa, đạt hơn một tấn trên công, nhưng giá bèo quá, lãi không bao nhiêu”. “Bao nhiêu mà bèo?”- tôi hỏi. “4.200 đồng/kg lúa IR 50404, còn jasmine thương lái họ không mua.”- ông Tốt đáp.
Dẫn tôi vào nhà xem hơn 100 bao lúa jasmine thành quả của 5 công ruộng vừa mới thu hoạch, bà Lê Thị Lưỡng (ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận) buồn bã nói: “Lúa trúng cũng mừng. Làm 5 công ruộng giống jasmine thu hoạch được 115 bao. Gia đình rất muốn bán để thanh toán tiền phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng thương lái từ chối, chỉ mua lúa IR 50404”.
Bà Lưỡng nắm tay tôi đến bộ ván ngựa, bảo ngồi rồi bà nói tiếp: “Gia đình tôi có 18 công ruộng, cũng may là vụ này chỉ trồng có 5 công jasmine, 13 công trồng IR 50404, chứ nếu trồng hết jasmine là khổ rồi ! 18 này (âm lịch-PV) gia đình tui mới thu hoạch dứt điểm 13 công còn lại. Dù giá bao nhiêu cũng phải bán để trả trên 20 triệu tiền phân bón, thuốc trừ sâu cho đại lý. Còn số lúa jasmine kia chắc cuối vụ mới bán được”.
Người nông dân cho biết, dù bà con có “tiếp thu” khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp hạn chế sản xuất lúa phẩm cấp thấp như IR 50404, nhưng những gia đình ít ruộng vẫn trồng hết diện tích đất bằng giồng IR 50404. Những gia đình có diện tích đất từ một ha trở lên thì diện tích canh tác bằng giống IR 50404 vẫn nhiều hơn giống lúa chất lượng cao.
“Năm nào cũng khuyến cáo, nói giống IR 50404 giá thấp khó bán. Nhưng trên thực tế trồng IR 50404 nông dân lãi hơn giống lúa chất lượng cao thấy rõ. Dễ trồng, lúa trúng… năm nay dù giá thấp nhưng bán dễ bán hơn lúa jasmine!” - anh Trần Văn Kiên chủ lò sấy lúa ở ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Phan Đình Nghĩa cho biết: Vụ đông xuân năm nay nông dân trong huyện xuống giống hơn 43.800ha, trong đó gần 60% là giống chất lượng cao. Vì vậy, chỉ tính riêng tại huyện Giồng Riềng, số lúa chất lượng cao đang “ế” là rất lớn.
Nông dân lãi dưới 30%
Sáng ngày 21-2, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang cho biết: Tại Kiên Giang có bảy doanh nghiệp xuất khẩu được VFA phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 84.000 tấn gạo. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang được chỉ tiêu cao nhất với 24.000 tấn và theo kế hoạch công ty này sẽ hoàn thành việc thu mua trong 15 ngày, với giá thu mua theo thị trường.
Theo ông Linh, việc các thương lái từ chối thu mua lúa chất lượng cao như jasmine là do các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có thị trường xuất khẩu loại gạo này, đồng thời việc tạm trữ “phù hợp” với một số giống có phẩm cấp thấp.
Được biết, tại Kiên Giang ngoài Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang có cơ sở, điều kiện để tổ chức thu mua lúa trực tiếp từ người nông dân thì các doanh nghiệp còn lại chỉ tổ chức thu mua thông qua lực lượng thương lái, hàng xáo. Vì vậy, chủ trương mua tạm trữ chủ thể được hưởng lợi nhiều chính là doanh nghiệp xuất khẩu - được hỗ trợ lãi xuất. Còn cái lợi thuộc về nông dân vẫn chưa rõ, vì người nông dân vẫn không định được giá hàng hóa do họ làm ra.
Theo như quy cách thị trường, bên bán có quyền định giá hàng hóa, để bên mua kỳ kèo, trả giá, nhưng đối với hàng hóa nông sản thì ngược lại, nên người nông dân càng thiệt. Đầu vào như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân phải mua giá cao vì thường mua chịu đến mùa thanh toán nên phải gánh phần lãi suất, đến đầu ra bán hàng hóa nông dân tiếp tục lệ thuộc vào giá do thương lái đưa ra.
“Nên chăng, nhà nước hỗ trợ nhân dân bằng cách hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho người nông dân trên định suất đất mà họ được vay vốn tại các ngân hàng” – ông Nguyễn Minh Trang một cán bộ huyện Giồng Riềng ý kiến.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ đông xuân 2012-2013 toàn tỉnh xuống giống 300.439ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 1/3 diện tích, với năng suất bình quân ước đạt 6,32 tấn/ha. Hơn 200 ha còn lại sẽ thu hoạch đồng loại vào đầu tháng ba. Và với giá thành sản xuất vụ này khoảng 3.600-3.900 đồng/kg (tùy từng vùng) và với giá lúa như hiện tại thì nông dân không thể nào thu được lãi 30% theo như chỉ đạo của chính phủ.
Theo như nhận xét của một số nông dân, giá lúa sẽ tăng trong những ngày tới, khi mà các doanh nghiệp cho hệ thống thương lái đẩy mạnh việc thu mua tạm trữ. Tuy nhiên một số khác thì bi quan khi cho rằng, với chỉ tiêu mua tạm trữ mà các doanh nghiệp trong tỉnh được phân bổ thì chẳng thấm vào đâu so với sản lượng vụ đông xuân - một vụ lúa lớn nhất trong trong năm, ở một tỉnh có diện tích và sản lượng cao nhất nước như Kiên Giang.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp Kiên Giang, khi nông dân bước vào vụ thu hoạch đồng loạt, một số nơi trong tỉnh sẽ khan hiếm máy gặt đập, tình trạng lúa chín rụi trên đồng, thuê nhân công với giá cao, hao hụt trong thu hoạch là không thể tránh khỏi. Hiện tại giá thu hoạch bằng máy là 180.000 đến 200.000 đồng/công. Tuy nhiên, nếu thu hoạch thủ công giá đội lên gấp ba lần so với thu hoạch bằng máy.
Theo ND ĐT
(TH)