Nóng bỏng trận tuyến chống buôn lậu
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và luôn thay đổi để qua mặt các lực lượng chức năng; các đối tượng này thường lợi dụng đêm tối, địa hình đường biên kéo dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh, các lực lượng chức năng khó quản lý và tiếp cận để tập kết hàng hóa, sau đó chia nhỏ đem đi tiêu thụ, thuê người dân địa phương thông thạo địa hình để vận chuyển. Tinh vi hơn, các “đầu nậu” lợi dụng chính sách ưu đãi để mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc hàng lậu tại các khu kinh tế cửa khẩu, lợi dụng tạm nhập, tái xuất, định mức miễn thuế hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, hoàn thuế VAT với hàng xuất khẩu, gian lận trong khai báo hải quan… Những chiêu trò này tuy cũ nhưng cũng đã làm thẩm lậu rất nhiều hàng lậu vượt biên vào sâu trong nội địa nước ta, gây lũng đoạn thị trường.
Đối phó với nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất và ổn định thị trường trong nước, bằng quyết tâm chính trị và tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý được 95.832 vụ vi phạm (tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước); tổng thu nộp ngân sách từ tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và qua công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 4.363 tỷ đồng (tăng 6,6%), khởi tố 699 vụ án với 819 đối tượng. Hoạt động phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tiến hành rộng khắp trên các địa phương, tập trung nhất vẫn là các địa bàn trọng điểm, chỉ tính trong thời gian trung tuần tháng 7 này, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ-Công an TP. Hồ Chí Minh; Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, phát hiện gần 10 tấn mỹ phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng bao bì ghi xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Pháp, Anh, Hàn Quốc; được nhập lậu qua Lũng Vài (Lạng Sơn) về ga Hà Nội rồi vận chuyển bằng đường sắt vào TP. Hồ Chí Minh… Trước đó, lực lượng Công an phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra, bắt giữ 12.000 bao thuốc lá không hóa đơn chứng từ, không có tem nhập khẩu; Bộ đội Biên phòng và Công an thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) bắt giữ vụ buôn lậu 400kg ngà voi, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ hơn 62.000 bao thuốc lá nhập lậu tại huyện Củ Chi; các lực lượng chức năng hai tỉnh Tây Ninh và Long An bắt hơn 200.000 bao thuốc lá lậu…
Kết quả đạt được là rất lớn, nhưng trên thực tế số hàng lậu “lọt lưới” còn lớn hơn nhiều, phản ánh tình hình thực tế là nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện đang rất phức tạp. Nhiều giải pháp mạnh chống nạn buôn lậu đang được Chính phủ và các địa phương xây dựng, triển khai thực hiện như tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra những ngày vừa qua chỉ rõ là xây dựng, bổ sung các văn bản quy định pháp luật, chế độ, chính sách đang bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng; bên cạnh đó là thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ để hạn chế việc cán bộ “bắt tay” với buôn lậu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là trận địa hết sức phức tạp, cam go nhưng với sự ra quân quyết liệt, thường xuyên của các lực lượng chức năng, sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân cả nước thì nhất định sẽ đem lại kết quả to lớn và cụ thể, thiết thực cho nền kinh tế-xã hội đất nước.
Hồng Đào