Nồng ấm nghĩa tình
CCB Phạm Quang Lại (bên trái) và Nguyễn Đăng Long.
Cuộc sống đời thường không thiếu chuyện vô thường. Họ là những con người bình thường mà cao thượng cho người khác. Họ với tôi là những người lính chiến, từng chung một chiến hào đánh Mỹ tại vùng đất Thượng Lào. Nhân chào mừng 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, ngày 14-12-2024, CCB nông dân Nguyễn Đăng Long ở thị trấn Và, xã Lạc Vệ,huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với tấm lòng yêu quý đồng đội đã nhờ BLL Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào T.P Bắc Ninh kết nối với các đồng đội cũ ở Đoàn chuyên gia quân tình nguyện thuộc Đoàn 959 đóng tại tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Cuộc gặp mặt có 75 CCB nhiều thế hệ Đoàn chuyên gia nhập ngũ năm 1972, 1974 và những năm trước đó. Họ đến từ Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa đã về tại tư gia của CCB làm kinh tế giỏi Nguyễn Đăng Long để gặp mặt thật thắm nghĩa vẹn tình. Tất cả bồi hồi khi đã tuổi cao, vẫn nhắc nhớ nhau về những kỷ niệm khó quên thời đồng ngũ là những ký ức hào hùng.
Từ năm 1972-1975, mặt trận đánh Mỹ ở nước ta đang trong kỳ quyết liệt thì tình hình nước bạn lại đạt kết quả đàm phán thực hiện hòa bình “Hòa hợp dân tộc”. Cuối năm 1974, một bộ phận lớn Đoàn chuyên gia quân tình nguyện ta rút về nước, số ở lại cùng Chính phủ cách mạng Lào chuyển về Viên Chăn. Trước khi về nước, quân ta thực hiện chính sách hậu phương quân đội, quy tập mộ liệt sĩ thuộc tỉnh Hùa Phăn đưa về nước. Số liệt sĩ hy sinh ở khu vực này từ những năm 1967 đến 1971 khoảng hơn 2.000 người, nguyên điểm cao Pha Thí đã có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Pha Thí là vùng núi đá vôi vách cao thẳng đứng cao 1.780m so mặt nước biển, chỉ có hai lèn đá nứt ra nhưng phải làm cầu thang sắt mới lên được. Từ năm 1966, Mỹ lập điểm cao này làm “mắt thần” không chế toàn khu Thượng Lào và cả miền Bắc nước ta. Căn cứ Pha Thí có một tiểu đoàn lính Thái và các chuyên gia lính Mỹ, xung quanh gần chục tiểu đoàn Vàng Pao bảo vệ, ban ngày có máy bay do thám, ban đêm đèn pha sáng rực.
Bắt đầu từ năm 1967, ta phải giải phóng Ba Bông, Na Kay, Nong Chẹn, Huớ Mường, Huội Mạ, Nậm Khao, mở đường và tiêu diệt bọn phỉ bảo vệ chân núi. Năm 1968, bốn máy bay An-2 thả hàng nghìn quả đạn cối 160mm xuống nơi này cho công binh mở đường để đặc công tiến hành chiến dịch kéo dài từ tháng 11-1968 đến 3-1969 mới chiếm được điểm cao này, tiêu diệt 10 tiểu đoàn bộ binh Vàng Pao, bắt và loại khỏi vòng chiến 400 quân Thái và Mỹ, hạ 10 máy bay. Tổn thất của ta cũng lớn, hy sinh khoảng hơn 2.000 người...
Đảng viên Phạm Quang Lại làm liên lạc Đại đội 2, Tiểu đoàn 923 là Phó ban quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS); anh ghi chép nhật ký quy tập rất tỉ mỉ, cả hồ sơ các chiến sĩ. Trước khi quy tập, anh cùng các chiến sĩ Ma Văn Lâm, Nguyễn Văn Thuận đi tuần, không may, Thuận bị tai nạn bật chốt bộc phá hy sinh tại chỗ. Hai anh Lại, Lâm đã cáng, vác đồng đội 4 ngày đêm đường rừng, chỗ vết thương đã phân hủy, dòi bò cả lên vai lên cổ, lả đi vì đói và mệt nhưng họ vẫn quyết tâm đưa thi thể đồng đội về đơn vị và mai táng ở bên trên nóc một hang đá tự nhiên, bên trong có hai khoang, nên trong hồ sơ quy tập anh ghi: “Mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thuần quê Na Hang (Tuyên Quang) mới hy sinh nên không quy tập về nước được, địa điểm mai táng trên nóc hang Hai Cửa, nhìn ra sông Nậm Khao, sau lưng là cây duối dại có đẽo vạt một mặt cây làm dấu”. Còn nghĩa trang Hướ Mường có 7 liệt sĩ, nghĩa trang Mường Lay còn 6 liệt sĩ.
Nhiều đêm CCB Phạm Quang Lại mơ thấy tiếng vọng từ rừng xa, giục anh trở lại chiến trường đưa họ trở về đất mẹ. Riêng liệt sĩ Nguyến Văn Thuần quê Na Hang (Tuyên Quang) thường xuyên hiện về khiến anh rất động lòng. Năm 2011, mặc dù đang làm nhà (số 100 đường Ngô Gia Tự, T.P Bắc Ninh) anh cũng không yên lòng, quyết định trao đổi với vợ là Nguyễn Thị Chỉ nguyên là đồng đội cùng đoàn để anh cùng anh Nguyễn Văn Ha, Nguyễn Hữu Cầu xuất cảnh đi tìm đồng đội. Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn và đội quy tập của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa nhưng rừng Lào mênh mông, cây rừng lấp lối các bản làng họ du canh du cư, mô mốc khó tìm chưa ra manh mối.
Xuất cảnh lần thứ tư thì được người dân cho biết ở trên một quả đồi gần sân bay Tam-na-na-khằng có hài cốt bộ đội Việt Nam. Anh cùng đồng đội đã tìm được 34 HCLS ngoài kế hoạch. Họ là các chiến sĩ đặc công hy sinh khi đánh vào sân bay. Số hài cốt này được bàn giao cho đội quy tập về nghĩa trang Đồng Tâm, Thanh Hóa năm 2011.
Lần thứ 5 anh đã cùng đồng đội Đinh Văn Nội, Ngô Sỹ Khả, Vũ Thế Thược cùng cán bộ chính sách Bộ CHQS tỉnh Hùa Phăn đã quy tập đủ 14 hài cốt ở hang Hai Cửa, Hướ Mường, Mường Lay như trong sơ đồ. Như vậy cựu binh Phạm Quang Lại cùng đồng đội sau 50 năm nhập ngũ đã 5 lần xuất cảnh âm thầm trở lại chiến trường xưa quy tập được 48 bộ HCLS từ nước bạn Lào, đưa đồng đội về đất mẹ hoàn toàn tự nguyện và kinh phí tự lo.
Sau giải phóng miền Nam 1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 959 ngoài một số lớn ra quân về quê, số khác đi học trở thành chỉ huy, cán bộ, bác sĩ…, nay còn nhận ra nhau ai cũng xúc động dâng trào trong niềm tự hào vì trong truyền thống anh hùng của quân đội ta có hình bóng mình trong đó. CCB Nguyễn Đăng Long, tuy không tham gia trực tiếp tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ nhưng đã tài trợ đắc lực cho các chuyến đi, nay anh lại thông qua Ban Liên lạc xin được mời tất cả đồng đội về với gia đình để vợ chồng ông tiếp đón. Người đời thường nói “của cho không bằng cách cho”, nhiều người giàu có, địa vị cao nhưng không làm được thì tấm lòng của anh Long, anh Lại hoàn toàn từ con tim, không mảy may vụ lợi đẹp đẽ tươi sáng bội phần.
Với nhiều lý do, nhiều đồng đội không về dự buổi gặp mặt được nhưng Ban Tổ chức nhận được những thứ quà quê có thương hiệu như bánh đa kế Bắc Giang, chè Thái Nguyên, nem Bùi - Thuận Thành, bánh đúc Lương Tài cùng đặc sản hát Quan họ chào mừng của các CCB T.P Bắc Ninh đã làm không khí cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, của những người đồng đội năm xưa ấm áp vô chừng.
Thật cảm động cho những đồng đội bình thường mà nhân hậu như các CCB Nguyễn Đăng Long, Phạm Quang Lại. Việc làm của họ thắm tình nghĩa tình đồng đội mà không cần ghi danh vẫn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Vũ Thế Thược