Nồng ấm một cung trầm
Đưa con đến trường
(Tặng con Việt Hưng)
Ngày con vào lớp Một
Bố đưa con đến trường
Nhìn con bước líu ríu
Vừa mừng lại vừa thương.
*
Rồi những chiều đón con
Giữa biển người chật chội
Tay con bé xíu vẫy
Bao nhọc nhằn nguôi ngoai.
*
Hôm được mấy điểm mười
Mừng khoe, con vấp ngã
Áo trắng nhòa máu đỏ
Bố đau đến bây giờ!
*
Trường con cạnh Tây Hồ
Những trưa hè lộng gió
Hay chiều đông buốt giá
Bố vẫn vui chờ con.
*
Cũng đến ngày lớn khôn
Một mình con tới lớp
Bị côn đồ trấn cướp
Bố rụng rời chân tay.
*
Cấp Một rồi cấp Hai
Cấp Ba vào Đại học
Bố con cùng chung bước
Giữa buồn vui cuộc đời.
*
"Con yêu bố nhiều lắm
Bố về khuya quá rồi
Mai bố còn bay sớm
Bố con mình chia tay".(1)
*
Ga Nội Bài đêm nay
Tiễn con đi du học
Vẫn như hồi lớp Một
Bố con cùng bên nhau.
*
Mai con sang trời Âu
Đường đời đang rộng mở
Vững vàng hơn con nhé
Bố đêm ngày bên con.
Nội Bài, đêm 31-8-2015
Phố Nhà Binh, đêm 20-10-2015
(sinh nhật Hưng lần thứ 23)
(1). Lời con trước khi chia tay.
Đỉnh Tam Đảo những ngày cuối tháng 11-2015, mây, gió, cây rừng hòa quện con người với thiên nhiên làm một. Từ ban công nhà sáng tác, tôi và anh Duy Tường rủ rỉ trò chuyện qua điện thoại. Nghe tôi hỏi tình hình học tập của cháu Việt Hưng, anh Tường cho biết: "Cháu đã trở lại Pháp, tiếp tục chương trình đào tạo Thạc sĩ". Một chút lặng... Giọng anh Tường xúc động: "Em mới viết bài thơ "Đưa con đến trường" tặng cháu. Em đọc bác nghe để bác thêm cảm xúc gửi vào trang bản thảo đang sáng tác nhé". Tôi lặng nghe, không bỏ sót một từ...
Liền đó, đọc đi đọc lại bài thơ qua hòm thư điện tử, lạ thật! Tôi cứ ngỡ tôi là anh Tường và cháu Hồng Giang (con trai tôi) là cháu Việt Hưng. Nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng, tạo được đồng cảm để lắng đọng, lan tỏa quý lắm! Đồng cảm đến mức người đọc cứ ngỡ mình và người thân là nhân vật của tác phẩm, càng quý hơn nhiều.
Mở đầu bài thơ, tôi bắt gặp ánh mắt của anh Duy Tường hệt như ánh mắt tôi dõi theo bước chân con ngày đầu vào lớp Một: "Nhìn con bước líu ríu/ Vừa mừng lại vừa thương". Đúng là “lòng vả cũng như lòng sung”, cảm xúc của người bố ở đây vừa dễ "thương", vừa gần gũi với nỗi lòng mỗi người làm bố, làm mẹ chúng ta.
"...Hôm được mấy điểm mười/ Mừng khoe con vấp ngã/ Áo trắng nhòa máu đỏ/ Bố đau đến bây giờ!...". Con vấp, bố đau là chuyện phổ biến, nhưng nỗi đau ấy hằn sâu, âm ỉ, dai dẳng mãi, gần như mới nguyên đến khi con đã qua đại học mấy năm thì đâu còn là phổ biến! Vượt qua phạm vi ôn lại một kỷ niệm, câu thơ đã buộc người cha, người mẹ nào đó nhanh quên hoặc mải mưu sinh, chỉ trăn trở với nỗi lo, nỗi đau hiện tại, phải day dứt, giật mình. Thời gian là dòng chảy vĩnh cửu. Thật sai lầm nếu coi quá khứ là chuyện đã xong xuôi. Không đâu! Quá khứ luôn hiện hữu cùng hiện tại và đồng hành cùng tương lai của mọi cuộc đời. Lời dạy của Tiền nhân: "Phi cổ bất thành kim" quả chí lý lắm thay!
"... Cũng đến ngày lớn khôn/ Một mình con tới lớp/ Bị côn đồ trấn cướp/ Bố rụng rời chân tay...". Một bức ký họa bằng thơ, ít nét nhưng lay động. Không thể dùng những từ "đồng cảm", "sẻ chia"... được nữa. Bốn câu thơ đã truyền lửa căm phẫn cho người đọc trước tệ nạn xã hội trắng trợn tấn công những tâm hồn thơ ngây trong trắng. "Bố rụng rời chân tay", bố mẹ nào chẳng thế khi con là nạn nhân vì bọn côn đồ. Câu thơ bộc lộ nỗi niềm riêng đã hóa thành tiếng chuông chung của sự cảnh báo nhức lòng...
"... Cấp Một rồi cấp Hai/ Cấp Ba, vào Đại học/ Bố con cùng chung bước/ Giữa buồn vui cuộc đời...". Lời thơ khái quát ngắn gọn nhưng để người đọc cả nghĩ phải liên tưởng dài, sâu. Dài, sâu không chỉ bởi chỉ khoảng thời gian hai mươi năm nuôi con, chăn con, dìu con từng bước mà chính bởi bao toan lo, thấp thỏm, bao mong ước, đợi chờ, bao lời rủ rỉ cùng con và bao điều cha thầm nghe từ trái tim cha thầm nói...
"...Ga Nội Bài đêm nay/ Tiễn con đi du học/ Vẫn như hồi lớp Một/ Bố con cùng bên nhau...". Con đã lớn khôn, nhưng cha vẫn đưa con đến trường như thời thơ bé; vẫn "Bố con cùng chung bước/ Giữa buồn vui cuộc đời...", khác chăng, ngôi trường của con bây giờ xa tít tận trời Âu. Con đã dủ lông đủ cánh, cùng bạn bè các màu da bay cao, bay xa giữa biển trời khoa học. Nhưng, con ơi, xa xôi cách trở đến mấy, con hãy luôn nhớ, tin rằng "Bố đêm ngày bên con" đấy!
Bài thơ cấu trúc theo trình tự thời gian. Thay vì liệt kê nhiều chi tiết là giãi bày tâm trạng, cảm xúc và chấm phá đôi kỷ niệm, nhờ vậy người đọc càng thấm thía tình thương yêu nhất mực, nặng sâu, thường trực của người cha dành cho người con trai yêu dấu. Thay vì những câu thơ, khổ thơ triết lý, là những câu thơ, khổ thơ chân tình, mộc mạc, nhưng khi đọc xong người đọc không thể không rút ra triết lý của riêng mình: Muốn con dang rộng cánh bay, xin hãy dìu dắt con từ những bước chập chững ban đầu; măng mọc thẳng, sao thể tách rời sự nương tựa vào tre; ngôi trường đầu tiên đâu phải ngôi trường có thầy cô, bạn bè, mà là mái ấm gia đình.
Con trưởng thành tiến bộ, rất khiêm tốn vẫn phải thừa nhận một thực tế: Con là niềm mong ước của không ít bạn bè cùng trang lứa, nhưng, cả bài thơ vẫn như một cung trầm. Đúng thôi! Niềm vui dẫu lớn lao đến mấy vẫn ẩn sâu trong trách nhiệm, lo toan, vun đắp cho con suốt cuộc đời cha.
Cháu Việt Hưng ơi! Cháu thật hạnh phúc được nuôi dưỡng giữa nồng ấm cung trầm ấy. Bài thơ "Đưa con đến trường" bố cháu viết tặng cháu, chính là đưa cháu vào đời, đưa cháu đến tương lai!
Hà Nội, ngày 30-4-2016
Hải Tiến