Nơi thiên đường du lịch

Điều đầu tiên dễ đập vào mắt du khách là nhiều trẻ em người Thái, người Mông không được đến trường. Anh Lương Văn Linh-cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Mộc Châu cho biết: Do suy nghĩ của nhiều bà con người Thái, Mông bao đời nay là “đói cơm thì mới chết, còn đói chữ thì không thể chết được”, hơn nữa các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông, cho nên việc tiếp thu chương trình học gặp rất nhiều khó khăn.
Tại bản Ôn, thị trấn Nông Trường, cậu bé dân tộc Thái Vi Văn Dương đã 10 tuổi, nhưng nhỏ như một cậu bé 5 tuổi. Không được đến trường, không biết chữ, đã 3 năm Dương theo bố mẹ đi hái mận, hái đào. Thỉnh thoảng, Dương cùng người anh họ Vi Văn Lam, 12 tuổi được khách nhờ dẫn đường đi thăm Ngũ Động bản Ôn. Xong việc, khách có thể cho hai anh em 20, 30 nghìn đồng hoặc túi kẹo, gói bánh... Cậu bé Lam cũng chỉ học hết lớp 4 rồi phải bỏ vì nhà quá khó khăn, đông anh em.
Không chỉ nghèo khó, đồng bào nơi đây còn bị cơn lốc ma túy đe dọa. Ở tiểu khu Pa Khen 1 với nhiều nóc nhà sàn đơn sơ, nghèo khó, trường hợp của hai cậu bé Hầu A Sáng (13 tuổi) và Hầu A Mua (7 tuổi) thật đáng thương. Bố của Sáng và Mua là Hầu A Vàng đang chấp hành án tù vì tội buôn bán, tàng trữ ma túy. Vàng đi tù được một thời gian thì vợ bỏ sang Trung Quốc làm ăn rồi biệt tích. Cậu bé Sáng đang học lớp 4 phải bỏ giữa chừng. Còn cậu em Mua, thậm chí chưa từng biết đến trường mẫu giáo, tiểu học bao giờ. Ngôi nhà sàn xiêu vẹo của Sáng và Mua giờ tang hoang, hai anh em phải ở nhờ nhà bác.
Những đứa trẻ người dân tộc thiểu số cần được đến trường. Nạn ma túy, rượu chè và những hủ tục phải được dẹp bỏ để các chàng trai, cô gái Mông, Thái có cuộc đời tươi sáng hơn. Để Mộc Châu thật sự là thiên đường du lịch.
DƯƠNG VĂN HẢI